(HNMO) - Theo The Moscow Times ngày 26-5, Ngân hàng thế giới (WB) đã khuyến nghị Nga thay đổi chính sách phúc lợi nếu muốn giảm số người nghèo khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch toàn cầu Covid-19.
Tổ chức có trụ sở tại Mỹ nhận định, Nga nên áp dụng “thu nhập tối thiểu bảo đảm” - một chương trình phúc lợi hỗ trợ tài chính dành cho những người sống dưới mức nghèo - để giúp gần 10 triệu người Nga thoát nghèo trong thập kỷ này.
Nếu không thay đổi cách tiếp cận và tăng trưởng kinh tế không tăng tốc, Nga có thể sẽ không đạt được mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin về giảm tỷ lệ người nghèo xuống dưới mức 6,6% vào năm 2030.
Theo cơ quan thống kê liên bang, ước tính có khoảng 17,8 triệu người Nga, tương đương 12,1% dân số quốc gia này, sống dưới mức nghèo là 11.329 rúp (tương đương 154 USD) mỗi tháng.
WB cho biết, tỷ lệ kể trên có thể giảm đáng kể nếu các hộ gia đình nghèo nhất có “thu nhập tối thiểu bảo đảm”, đồng nghĩa thu nhập hằng tháng sẽ tăng lên một mức nhất định. Nga chi hơn 3% GDP - tương đương 30 tỷ USD - cho các chương trình trợ giúp xã hội. Mức chi tiêu này cao hơn ba lần tổng thâm hụt thu nhập của tất cả hộ nghèo.
Tuy nhiên, có rất ít chương trình nhắm mục tiêu cụ thể đến xóa đói giảm nghèo. Thay vào đó, Nga chi hàng tỷ USD hỗ trợ các cá nhân hoặc hộ gia đình như như cựu chiến binh hoặc gia đình có con nhỏ, bất kể mức thu nhập. Việc chi tiêu như vậy không hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo vì chỉ một phần được dành cho các hộ nghèo nhất. Trong năm 2018, chỉ 10% chi tiêu của chính phủ dành cho 13% người Nga sống trong cảnh nghèo khó.
Do đó, WB kêu gọi Chính phủ Nga tăng cường hỗ trợ cho người nghèo. Ước tính, “thu nhập tối thiểu bảo đảm” có thể giúp Nga đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo với chi phí bằng 0,3% GDP hằng năm.
Điều này cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. “Thu nhập tối thiểu bảo đảm” có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Nga do các hộ gia đình thu nhập thấp nhiều khả năng sẽ tăng chi tiêu thay vì tiết kiệm, từ đó dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách này cũng có thể giải quyết vấn đề năng suất thấp của Nga vì các hộ gia đình có thu nhập thấp thường buộc phải đưa ra các quyết định ngắn hạn gây tổn hại đến tiềm năng thu nhập trong dài hạn.
Bất chấp những tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19, Nga đã thành công giảm tỷ lệ người nghèo chính thức trong năm 2020. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, mức tăng trưởng chung của Nga có thể sẽ không đủ để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo vào năm 2030.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, số người sống trong đói nghèo tại quốc gia này đã giảm 25 triệu người. Dù vậy, tiến độ đã bị đình trệ do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế, những biện pháp trừng phạt và chính sách vốn ưu tiên ổn định kinh tế hơn tăng trưởng và thịnh vượng.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lùi mục tiêu giảm số người nghèo xuống dưới 10 triệu người từ năm 2024 đến 2030 như một phần của việc thiết lập lại các dự án quốc gia trị giá 360 tỷ USD đầy tham vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.