(HNMO) – Ngày 9-6, hãng tin AP dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc của dịch Covid-19 gây ra cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân trên đầu người kể từ năm 1870.
WB cũng dự báo thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và điều này sẽ khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực.
Theo dự báo, khi đại dịch bị đẩy lùi và các biện pháp hạn chế trong nước được dỡ bỏ, tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 4,2% vào năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng trên rất không chắc chắn bởi có nhiều rủi ro, trong đó có khả năng đại dịch kéo dài hơn.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19, khẳng định dịch bệnh đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu và vẫn chưa đạt đỉnh tại Trung Mỹ.
Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết, số ca mắc bệnh tại các quốc gia Trung Mỹ vẫn đang trên đà gia tăng. Theo ông, đây là thời điểm đáng quan ngại, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước lãnh đạo một cách vững vàng cũng như quốc tế hỗ trợ cho khu vực.
Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập thông báo, đã có thêm 5 bác sĩ tử vong do Covid-19, qua đó nâng tổng số bác sĩ Ai Cập thiệt mạng do dịch bệnh nguy hiểm này lên tới 52 người. Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel-Aal đã cảnh báo rằng nhà nước có thể áp dụng luật tình trạng khẩn cấp để ngăn ngừa tình trạng các bệnh viện tư bắt bệnh nhân mắc Covid-19 phải trả mức viện phí cao.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề y tế của Quốc hội Ai Cập, Nghị sĩ Magdi Morshed, hiện tại, nhiều bệnh viện tư đã thu viện phí quá đắt đỏ đối với các bệnh nhân mắc Covid-19. Nghị sĩ Morshed cho rằng nhà nước cần can thiệp để hạn chế tình trạng này.
Tại Ấn Độ, chính quyền các địa phương đã trưng dụng cơ sở của hơn 600 tổ chức giáo dục để làm trung tâm cách ly dịch bệnh. Song song với việc từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế, nước này đã tăng cường xét nghiệm và cũng phát hiện thêm nhiều ca dương tính hơn. Do đó, nhu cầu thiết lập thêm các cơ sở cách ly cũng gia tăng, nhất là khi hạn chế về đi lại trong bang và giữa các bang được dỡ bỏ. Các bang cũng có chính sách riêng và nay phần lớn đều bắt buộc những người đến từ bên ngoài bang phải cách ly 7 ngày tại một cơ sở của chính quyền.
Tính đến 6h ngày 9-6, số người mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 7.183.906 ca, trong đó 408.028 trường hợp tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.