Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng tăng lãi suất huy động, vì sao?

Hương Thủy| 30/08/2018 10:04

(HNMO)-Thời gian qua, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động VND, trong đó có nhà băng tăng hơn 1%/năm lên 8,6%/năm. Vậy, vì sao ngân hàng tăng lãi suất?


Theo biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ 25-8, ngân hàng này tăng lãi suất ở kỳ hạn dài. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tăng 0,1% lên 7,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất 7,8% được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,2% so với trước. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này khách hàng phải gửi tối thiểu 100 tỷ đồng. Các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng vẫn có mức lãi suất là 7,3%/năm và 7,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên mức 4,7%/năm.

Lãi suất huy động VND cao nhất là 8,6%/năm (ảnh minh họa, nguồn: internet)


Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất huy động được tăng khá mạnh. Kỳ hạn càng dài được hưởng lãi suất càng cao. Chẳng hạn, các kỳ hạn 7-11 tháng có mức lãi suất 7,8%/năm, tăng 0,4% so với trước đó. Kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được hưởng lãi suất lần lượt là 8,3%/năm và 8,5%/năm. Mức lãi suất 8,6%/năm dành cho kỳ hạn 24-60 tháng, tăng hơn 1% so với trước. 8,6%/năm được coi là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) thực hiện cộng lãi suất nhân dịp sinh nhật. Khách hàng gửi tiền tại kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối kỳ, được hưởng mức lãi suất cộng thêm áp dụng tối đa lên đến 0,5%/năm, lãi suất tối đa cho khoản gửi tiết kiệm lên đến 7,5%/năm.

Mức lãi suất huy động cao nhất (chưa cộng lãi suất) tại nhà băng này là 7,4%năm đối với kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng cùng được hưởng lãi suất 7%/năm. Kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng có lãi suất lần lượt là 7,2%/năm và 7,3%/năm. Kỳ hạn 1-5 tháng là 5,5%/năm.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, ACB, VPBank đã tăng lãi suất huy động VND phổ biến 0,1-0,5%/năm. Trong đó, từ ngày 6-8, tại Techcombank, với khách hàng mở mới với gói tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1-2 tháng được hưởng lãi suất 4,7%/năm, tăng 0,2% so với trước; dưới 3 tỷ đồng là 4,8%/năm; bằng hoặc trên 3 tỷ đồng được hưởng lãi suất 5%/năm. Nhà băng này tăng 0,1-0,4%/năm lãi suất đối với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lên 6,5-6,8%/năm tùy số tiền gửi.

Điều dễ nhận thấy là lãi suất tăng chủ yếu ở kỳ hạn dài, ít ngân hàng tăng lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Lãi suất tại ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn khối ngân hàng thương mại quốc doanh khá nhiều. Tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, BIDV lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,5-6,9%/năm. Mức cao nhất là 7%/năm được áp dụng cho kỳ hạn trên 36 tháng. Còn với kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất chỉ là 4,1-4,6%/năm.

Chuẩn bị nguồn vốn cuối năm


Lãnh đạo một nhà băng có trụ sở tại Hà Nội cho biết, do dư địa tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn còn nhiều nên ngân hàng tăng lãi suất nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho doanh nghiệp vay vào cuối năm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, việc tăng lãi suất trên chỉ mang tính chất thời vụ chứ không phải xu thế. Vào cuối năm, nhu cầu tín dụng thường tăng cao. Vì vậy, ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, nhà băng tăng lãi suất để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn khi mà từ năm 2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì 45% như trước.

Một lý do khác là trong nửa đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với huy động. Trong khi tín dụng tăng khoảng 7,88% thì huy động vốn tăng 6%. Các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để theo kịp tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp là chủ trương đúng nhưng việc này là rất khó bởi muốn giảm lãi suất cho vay thì lãi suất huy động phải giảm. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm nhưng áp lực lạm phát rất lớn. 

Trước lo ngại về việc lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay đi lên, TS Cấn Văn Lực chia sẻ, trước mắt lãi suất cho vay sẽ không đi lên bởi thanh khoản của ngân hàng vẫn khá tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng tăng lãi suất huy động, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.