(HNMO)- Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị “Sơ kết hơn 01 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản” nhằm đánh giá tình hình triển khai, kết quả sau hơn 01 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đặc biệt các ngân hàng thương mại đánh giá lại kết quả sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, phổ biến những kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp tiếp tục để triển khai chính sách phát triển thủy sản có hiệu quả.
Thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị là, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị- Thống đốc NHNN phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp; giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2015 đến nay, việc ký các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015). Đến nay, 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.
Tại hội nghị, 14 hợp đồng tín dụng nữa được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đợt này là trên 190 tỷ đồng. Điều này thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng tiếp tục cam kết đồng hành cùng bà con ngư dân để thực hiện ước mơ đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công suất lớn, đủ sức vươn khơi xa, bám biển, làm kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai chính sách như: Thuế giá trị gia tăng trong đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ; việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện nhưng chưa có nhu cầu đóng tàu, chưa quyết tâm tham gia Nghị định 67 làm chậm quá trình triển khai; vấn đề bảo hiểm, vấn đề về thực hiện mô hình chuỗi sản xuất – tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân…
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, các ý kiến tham luận nhất trí cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ và lâu dài với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động đánh bắt, giao thông đường thủy; triển khai các mô hình liên kết trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản; hướng dẫn thống nhất về thuế giá trị gia tăng,...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị-Thống đốc NHNN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67.
Theo Thống đốc NHNN, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và các bộ, ngành cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của người dân, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát, lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.