Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng phản ứng gì khi bị truy thu thuế từ năm 2011?

Hương Thủy| 20/05/2020 14:58

(HNMO) - Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các địa phương yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1-1-2011 đến nay. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có phản ứng về vấn đề này.

Ảnh minh họa: Internet.

Mới đây, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22-4-2020 về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Tổng cục Thuế, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, kể từ ngày 1-1-2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán nên sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các cơ quan thuế địa phương yêu cầu các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1-1-2011 đến nay.

Trước tình hình trên, ngày 15-5-2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có Công văn số 117/HHNH-PLNV gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

“Việc áp dụng thu thuế GTGT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch Covid-19 hiện nay”, hiệp hội này nêu rõ. 

Thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế GTGT dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế GTGT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, việc yêu cầu “hồi tố” sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế địa phương không áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo đúng tinh thần của Luật Các TCTD 2010, Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành; không yêu cầu “hồi tố”, bắt các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với khoản thu từ nghiệp vụ thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 đến nay.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm rõ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để hiểu và áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng đúng bản chất, thống nhất, không gây khó khăn trong hoạt động của các TCTD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng phản ứng gì khi bị truy thu thuế từ năm 2011?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.