Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời trước những thắc mắc và kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về những vụ đại án liên quan đến ngân hàng thời gian qua khiến dư luận bức xúc.
Cử tri thắc mắc, công tác kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng lâu nay thực hiện như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy. Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và cần có biện pháp thu hồi lại số tiền đã thất thoát.
| ||
Trả lời vấn đề này, đại diện NHNN cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra của NHNN luôn được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập. Giai đoạn 2011-2015, NHNN đã triển khai 7.137 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong năm 2016 và 2017, tiến hành 2.511 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Căn cứ kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng (TCTD), trong năm 2016 và năm 2017, các đoàn thanh tra, kiểm tra của NHNN đã đưa ra 19.960 kiến nghị yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 247 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 17,63 tỷ đồng.
“Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sát sao nhằm bảo đảm TCTD thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận về thanh tra, kiểm tra. Phương pháp thanh tra được đổi mới theo hướng thanh tra pháp nhân, kết hợp giữa thanh tra tuân thủ và thanh tra trên cơ sở rủi ro với chất lượng ngày càng được nâng cao, đánh giá sát hơn tình hình, thực trạng hoạt động của đối tượng thanh tra”, nội dung văn bản nêu rõ.
Theo NHNN, công tác giám sát được tăng cường nhằm theo dõi chặt chẽ việc chấp hành các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt là cấp tín dụng đối với các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT...; giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập và các TCTD phi ngân hàng yếu kém; theo dõi chặt chẽ tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD. Qua công tác giám sát, NHNN đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, sai phạm và có các văn bản cảnh báo rủi ro, yếu kém đối với hoạt động của từng TCTD và toàn hệ thống, đề xuất/kiến nghị biện pháp yêu cầu TCTD xử lý, khắc phục các tồn tại, sai phạm, bảo đảm hoạt động an toàn.
Qua công tác thanh tra, giám sát và thực tiễn xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời gian qua cho thấy các sai phạm chủ yếu phát sinh từ những năm trước đây, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất; một số ngân hàng chạy theo tối đa hóa lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật, quy định của ngành; thể chế luật pháp, cơ chế chính sách quản lý chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn phát triển hoạt động tiền tệ ngân hàng; mở rộng hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ phát triển làm xuất hiện thêm nhiều loại hình tội phạm mới ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tuy nhiên, phía NHNN cũng chỉ ra những mặt hạn chế, chủ quan liên quan tới năng lực và trình độ quản lý điều hành của một số ngân hàng thương mại (NHTM) còn yếu kém; công tác thanh tra giám sát, kiểm soát nội bộ còn yếu nên chậm phát hiện vụ việc, để xảy ra những tồn tại vi phạm; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khắc phục, chỉnh sửa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số TCTD còn kéo dài, chưa đúng tiến độ; chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao nên chưa phát huy được vai trò trong việc phát hiện, đánh giá, cảnh báo các tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống TCTD...
Trước các tồn đọng này, NHNN đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân, xem xét nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục một cách căn bản, toàn diện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát cũng như vai trò quản lý nhà nước của NHNN đối với hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, các cá nhân có hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật hình sự đã bị Tòa án các cấp xét xử và nhận các mức án theo đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Ngoài ra, để khắc phục, chấn chỉnh và chủ động đối phó với các loại sai phạm, tội phạm trong ngành ngân hàng, NHNN đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp sau như: Tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân TCTD; tăng cường chất lượng cán bộ… Trong đó, NHNN đã trình Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07-4-2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng theo hướng tăng cường việc phân cấp, phân quyền trong việc ban hành quyết định thanh tra; thành lập đoàn thanh tra; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; phê duyệt báo cáo giám sát an toàn vi mô, vĩ mô; quyết định các biện pháp xử lý như khuyến nghị, cảnh báo, xử phạt vi phạm hành chính..
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.