(HNM) - “Room” tín dụng đã được nới cho các ngân hàng, thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ngân hàng “nới” tiêu chuẩn cho vay. Với việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng 1-4% cho một số ngân hàng, dự kiến sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được “bơm” thêm cho thị trường, song, đại diện các ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục tập trung vào chất lượng tín dụng, cho vay lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh… nhằm giúp doanh nghiệp sớm phục hồi.
Tín dụng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-8, tín dụng tăng 9,95% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong khi các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) năm 2022 mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cho các ngân hàng thương mại dao động từ 1% đến 4%, dù không phải là mức thị trường kỳ vọng, nhưng đã tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại triển khai thêm nhiều chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau hơn 2 năm dịch Covid-19.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, sau khi được tăng thêm 2,7%, mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của Vietcombank có thể đạt là 17,7%. Để được chấp thuận tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng, Vietcombank đã bảo đảm các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, thanh khoản, chất lượng điều hành... Bên cạnh đó, Vietcombank cũng thực hiện tốt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém. “Vietcombank sẽ tiếp tục giữ nguyên tắc đưa vốn vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng...”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho hay, "room" tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sacombank được cấp thêm hạn mức tín dụng nhiều nhất trong đợt này, với mức 4%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Từ nay đến cuối năm 2022, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại được nới "room" tín dụng đều khẳng định, sẽ dành vốn cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022.
Không chủ quan với lạm phát
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhu cầu vốn thông thường sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm. Năm 2022 có đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch Covid-19, do đó nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh ngay trong giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là do tác động tiêu cực của đại dịch, khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh dẫn đến tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn duy trì cảnh báo xu hướng tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây (năm 2021 là 124% GDP).
Mặt khác, tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn thị trường đối với VND cũng ở mức rất cao. Ngoài ra, áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022 và cả năm 2023. Đây là “ràng buộc” lớn đối với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn. Điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại là cần nâng cao chất lượng và hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ để có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn.
Chia sẻ quan điểm về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, ông John Andre, chuyên gia nghiên cứu, giảng viên cao cấp của nhiều trường đại học tại Việt Nam cho rằng, một trong những mục đích của việc kiểm soát tín dụng là nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. “Chúng ta có thể nhìn lại những năm 2007-2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, khi mà các ngân hàng thực sự gây tổn hại không chỉ cho xã hội và người dân mà còn làm tổn thương cho chính họ. Do đó, việc các ngân hàng trung ương kiểm soát tín dụng là hợp lý”, ông John Andre nêu quan điểm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và không chủ quan với lạm phát để kiểm soát quy mô, tăng trưởng gắn với chất lượng tín dụng. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn là quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.