(HNM) - Thông thường vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng thương mại tung ra nhiều chương trình gửi tiết kiệm phong phú, với lãi suất ưu đãi để hút khách. Ngược lại, nhờ mức lãi suất hấp dẫn so với những năm trước, nên nhiều khách hàng không ngại ngần đến
Đa dạng sản phẩm ngân hàng
Khác với giai đoạn cạnh tranh ngầm về lãi suất, hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm được định hình rõ; chênh lệch lãi suất huy động ngắn hạn và dài hạn đã có khoảng cách rộng. Hầu hết các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất tiền gửi giống nhau hoặc chênh lệch không đáng kể nên khách hàng không khó để chọn nơi gửi gắm nguồn tiền của mình. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, ngân hàng cần thêm vốn, nên các sản phẩm rất đa dạng.
Nếu Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV) có chương trình “Tết yêu thương - Xuân ngập tràn”, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng trở lên sẽ được tặng 0,1% số tiền tiết kiệm, thì Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) có chương trình “Gửi tiền trúng tiền”, với hàng nghìn quà tặng bằng tiền mặt cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm. Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) hợp tác với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam, đưa ra những gói sản phẩm hấp dẫn về lãi suất và kèm theo bảo hiểm.
Không chỉ tìm cách hút người gửi tiền, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói cho vay, với lãi suất khá thấp so với thời điểm này những năm trước. Ngân hàng TMCP Việt Á (VIETABANK) và Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 cam kết tài trợ vốn và bao tiêu thu mua, chế biến xuất khẩu hồ tiêu. Gói cho vay ưu đãi này trị giá 500 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm cho 12 tháng đầu, dành cho người dân đầu tư trụ, gốc tiêu, mở rộng quy mô sản xuất... Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có chương trình “Chia sẻ niềm tin - Gia tăng lợi ích”, giảm lãi suất tối đa 0,9%/năm cho các cá nhân giới thiệu khách hàng vay vốn và giảm 0,5%/năm lãi suất đối với cá nhân, hộ kinh doanh được giới thiệu.
Đối với sản phẩm vay tiêu dùng, Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) có chương trình “Vay sắm đồ mới, phơi phới niềm vui” cho khách hàng thế chấp, tín chấp, tiêu dùng qua thẻ tín dụng; mức lãi suất áp dụng 5,99%/năm trong 3 tháng đầu, 8,49%/năm trong 12 tháng hoặc 9,49%/năm trong 18 tháng.
Lãi suất cho vay “dễ thở”
Dù lãi suất huy động VND không cao, cách xa so với “đỉnh” 18%/năm trước đây, nhưng so với những hình thức đầu tư khác, gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn vì an toàn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối của tháng 11, có một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm (tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng), 4,5-5,4%/năm (từ 1 tháng đến dưới 6 tháng), 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng), 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng).
Chị Tạ Thùy Ánh (phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) cho biết, chị vẫn gửi tiết kiệm ngân hàng vì không biết lựa chọn kênh đầu tư nào phù hợp hơn. Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, ngân hàng huy động cao nhất cũng chỉ đến 8%/năm, nhưng đây vẫn là kênh sinh lời bảo đảm.
Lãi suất huy động thấp đã giúp lãi suất cho vay ở mức dễ chịu với những ai có nhu cầu. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm với trung - dài hạn. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường có lãi suất vay từ 6,8-9%/năm (ngắn hạn) đến 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 4-5%/năm. Với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu có nhu cầu vay USD, lãi suất cũng chỉ 2,8-6%/năm. Với mức lãi suất được đánh giá là khá hấp dẫn này, hầu hết các doanh nghiệp đều hài lòng.
Ông Nguyễn Văn Quân, đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội nhận định, lãi suất cho vay năm nay đã thấp hơn rất nhiều so với những năm trước, cộng với thủ tục không phiền hà nên công ty không ngần ngại vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều khách hàng cá nhân cũng tìm đến ngân hàng để vay tiền trong thời điểm cuối năm này. Bà Nguyễn Dung (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết, bà vay ngân hàng một khoản tiền để sửa sang nhà. Khác với những năm trước, thay vì phải tìm đến ngân hàng, nhiều ngân hàng chủ động tìm khách hàng vay vốn, thủ tục cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mức tăng trưởng tín dụng hiện nay là 14,03%, hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thường, thời điểm cuối năm tín dụng gia tăng nhanh nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% có thể đạt được. Tuy nhiên, trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung, tín dụng nói riêng, việc tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào trước hết phải đặt trong mục tiêu phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt không để phát sinh nợ xấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.