Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn việc triệt tiêu đối thủ

Việt Nga| 31/10/2014 06:40

(HNM) - Nhiều chuyên gia cho rằng cước dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện ở mức thấp nhất khu vực và đây là một trong những khó khăn cho các nhà đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này.

Hiện Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đang hoàn thiện bản đề án tính toán giá thành, giá sàn các loại hình dịch vụ THTT trình Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).

Với giá cước phải trả, người dân đòi hỏi các kênh truyền hình trả tiền phải có chương trình hấp dẫn. Ảnh: Như Ý


Theo VNPayTV, đề án đưa ra một mức giá sàn (giá tối thiểu) của từng loại hình dịch vụ truyền hình, dựa theo phương thức truyền dẫn (cáp, vệ tinh, số mặt đất, OTT) và theo khu vực (nông thôn, đô thị). Giá thành dịch vụ được tính gồm chi phí đầu tư đường truyền, giá bản quyền, chi phí hoạt động… và giá sàn sẽ không thấp hơn giá thành. Cũng theo VNPayTV, việc ban hành mức giá sàn là cần thiết để ngăn chặn tình trạng các DN hạ giá dịch vụ thấp hơn giá thành để cạnh tranh.

Thực tế, kể từ khi Viettel tham gia thị trường THTT, rồi việc SCTV mở rộng kinh doanh ra thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng là lúc các "nhà đài" có sự cạnh tranh quyết liệt. Từ cuối năm 2013, bên cạnh việc có nhiều gói cước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, để thu hút thuê bao, các nhà đài có những hình thức khuyến mãi hấp dẫn như tặng đầu thu kỹ thuật số SD, giảm giá đầu thu HD, tặng cước thuê bao tháng cho khách hàng.

Cuộc cạnh tranh khiến ngay cả nhà đài lớn vốn chẳng mấy khi thực hiện khuyến mãi như VTV Cab cũng buộc phải có các chương trình chăm sóc khách hàng như tặng sữa cho thuê bao… Thậm chí, có nhà đài còn đưa ra hình thức khuyến mãi miễn phí vài tháng cước cho thuê bao chuyển từ nhà mạng khác sang dùng mạng của mình. Ngay tại thời điểm năm 2013, một số chuyên gia cũng cho rằng cần phải ban hành giá cước dịch vụ THTT để bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, bền vững đồng thời ngăn chặn việc các DN giảm giá dịch vụ để "triệt tiêu đối thủ". Trong khi đó về bản chất, truyền hình có khác biệt cơ bản với các loại hình dịch vụ khác ở chỗ chi phí cho các dịch vụ truyền hình trong đó có THTT chỉ có tăng mà không có giảm, vì truyền hình còn liên quan đến chất xám và phí bản quyền. Mặt khác, việc ban hành mức giá sàn còn là cách để VNPayTV ngăn chặn các DN viễn thông tham gia kinh doanh THTT vốn có thế mạnh về hạ tầng truyền dẫn và tiềm lực về tài chính thực hiện bù chéo cho dịch vụ này.

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC nhà cung cấp dịch vụ MyTV cho biết DN này rất ủng hộ việc phải có giá sàn dịch vụ. Bởi, từ mức giá sàn quy định, các nhà cung cấp có thể thiết kế nhiều gói cước dịch vụ khác nhau, trong đó có một gói cơ bản bảo đảm nhà cung cấp sống được và có lãi… Còn lãnh đạo K+ cũng từng đưa ra bảng giá cước dịch vụ này để so sánh và cho biết cước THTT tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, thấp hơn cả Lào, Campuchia. Theo như vị lãnh đạo K+ thì hầu hết các nhà đài chỉ cạnh tranh về giá thay vì cạnh tranh bằng việc cung cấp các chương trình THTT độc quyền. Đến đây, có thể hiểu là muốn có các chương trình độc quyền thì nhà đài phải đầu tư với chi phí không nhỏ để mua bản quyền.

Như vậy, đề án về tính toán giá thành, giá sàn các dịch vụ THTT đang được hoàn thiện trước khi trình cơ quan quản lý nhà nước. Và sau khi được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ hoạt động và phát triển kinh doanh đưa ra những chương trình, nội dung hấp dẫn cho khách hàng đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững cho thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn việc triệt tiêu đối thủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.