Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi sông Hồng

Kim Vũ| 12/04/2022 06:16

(HNM) - Trong thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng lều lán, quây tôn, thậm chí xây dựng công trình kiên cố… quanh khu vực đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá phổ biến. Gần đây, khi thành phố công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các vi phạm tại đây lại tiếp tục có chiều hướng gia tăng trở lại...

Một số hộ dân sử dụng đất canh tác làm nhà ở tạm tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Nhiều điểm "nóng"

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới trong các ngày 5 và 6-4, nhiều diện tích tại khu vực đất bãi sông Hồng đã bị lấn chiếm. 

Vi phạm “nóng” nhất phải kể đến khu vực ngõ 76 An Dương thuộc quản lý của hai phường Yên Phụ và Tứ Liên (quận Tây Hồ). Đây là con ngõ rộng nhất để các phương tiện di chuyển vào khu bãi bồi ven sông. Đi sâu vào ngõ khoảng 800m, đập vào mắt mọi người là những mảnh đất đã được quây tôn, bạt, bên trong là những ngôi nhà tạm. Tại ngách 89 ngõ 76 An Dương cũng xuất hiện một dãy tôn quây kéo dài cả ngách nhỏ, sâu hun hút. Thỉnh thoảng, một vài người đi xe máy từ trong ra với ánh mắt dò xét khi thấy người lạ. 

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân phường Tứ Liên cho biết, gần đây xuất hiện thông tin đất khu vực này tăng giá do thành phố công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, do đó dù là đất lấn chiếm, nhưng giá vẫn tăng từ 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại ngõ 293 Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng có nhiều công trình ở khu vực đất bãi được quây tôn, lưới sắt. Thậm chí, một số hộ đã xây dựng nhà tạm trên phần đất lấn chiếm, ngang nhiên sử dụng như đất ở lâu dài. Trước đó, tháng 11-2021, khi Báo Hànộimới có bài phản ánh về tình trạng này thì UBND phường Ngọc Thụy đã tổ chức dỡ bỏ lều lán tạm. Tuy nhiên, hiện ở đây lại "mọc lên" hơn 20 công trình lấn chiếm đất bãi bồi sông Hồng... 

Tình trạng vi phạm cũng diễn ra khá phổ biến tại khu vực đất bãi sông Hồng thuộc các phường Đông Ngạc, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm). Hay như tại ngõ 195 Hồng Hà, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); khu vực bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình)… cũng có một số hộ dân sử dụng đất canh tác làm nhà ở tạm...

Lực lượng chức năng phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) khắc phục hậu quả việc lấp lạch sông của một số đối tượng lấn chiếm đất.

Cần chấm dứt cảnh "chạy theo" xử lý vi phạm

Ngay sau khi phóng viên Báo Hànộimới làm việc với các cơ quan chức năng liên quan về những vi phạm trên, trong các ngày 7 và 8-4, một số phường đã bắt đầu có động thái xử lý vi phạm.

Lý giải về sự tồn tại của những công trình vi phạm trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Văn Sáng cho biết, các đối tượng dựng lều lán, quây tôn chỉ trong vòng 2-3 giờ, hoạt động trong đêm nên không kiểm soát ngay được lúc mới phát sinh. Tính trung bình mỗi năm phường cưỡng chế 40-50 công trình vi phạm; trong đó nhiều công trình tái vi phạm đến 10 lần. Trong giai đoạn 2020-2021, hai phường Yên Phụ và Tứ Liên đã phối hợp lập chốt cuối ngõ 76 An Dương, nên không xảy ra việc lấn chiếm đất. Tuy nhiên, khi bỏ chốt thì các đối tượng lại vi phạm. Do vậy, trong đầu tháng 4 này, phường tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ hàng rào tôn, dựng hàng rào dây thép gai, ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới...

Tương tự, UBND phường Tứ Liên cũng tiến hành đóng cọc bê tông, căng hàng rào thép gai ở khu đất 2ha cuối ngõ 76 An Dương và rào chắn diện tích đất 6.000m2 thuộc đất bờ bãi lòng sông tại ngõ 310 Nghi Tàm để quản lý, chống tái lấn chiếm...

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, từ đầu năm đến nay, quận giao các phường xử lý dỡ bỏ, giải tỏa 169 lượt các trường hợp dựng công trình lều lán tạm, khung cột sắt, mái lợp tôn, hàng rào B40… tại khu vực bãi sông. 5 phường khu vực ngoài đê đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các vi phạm. Trong đó, duy trì và bảo đảm lực lượng tại các chốt cuối ngõ có lối đi ra bờ sông. Hiện có 8 chốt được duy trì. Bên cạnh đó, quận giải tỏa và thu hồi mặt bằng, dựng hàng rào chống lấn chiếm 7 khu đất với tổng diện tích 136.171,5m2; đồng thời, cắm biển thông báo đất công tại các điểm vi phạm để người dân biết.

Nói về giải pháp chống lấn chiếm, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, phường đang xây dựng kế hoạch, thiết lập hồ sơ quản lý công trình của các hộ sống ven sông. Qua đó, lưu trữ thông tin thực trạng, từ đó dễ dàng phát hiện nếu có vi phạm mới.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn, quận đã đề nghị Công an quận chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh đối tượng có hành vi quây hàng rào quanh khu đất, có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, tái vi phạm tại khu vực bãi sông Hồng trên địa bàn quận.

Thực tế trên cho thấy, cho dù các địa phương có xử lý, song chưa thực sự quyết liệt, chưa thường xuyên nên vi phạm vẫn tái diễn. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp xử lý dứt điểm, quy rõ trách nhiệm với cán bộ, lãnh đạo phụ trách địa bàn để ngăn chặn hiệu quả, chấm dứt cảnh "chạy theo" mỗi khi vi phạm mới nảy sinh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn vi phạm đất đai tại bãi sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.