Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn vận chuyển kinh doanh chó nhập lậu xuyên biên giới

H.H| 15/02/2014 11:25

(HNMO) - Vấn nạn vận chuyển, buôn bán chó lậu tại Việt Nam đã được quy định là bất hợp pháp từ năm 2009, tuy nhiên nguồn lực dành cho việc giải quyết vấn đề này chưa dồi dào, việc thực thi pháp luật nhiều khi không khả thi...



Các nước thành viên Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã cam kết thực hiện các biện pháp xóa bỏ bệnh dại trước năm 2020, loại bệnh đã gây ra 29.000 ca tử vong tại Châu Á mỗi năm; và để thực hiện cam kết này chính quyền các địa phương rõ ràng phải có những nỗ lực cụ thể hơn nữa ngăn chặn nạn buôn lậu chó bất hợp pháp thông qua việc nghiêm minh thực thi pháp luật, và tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Ngành kinh doanh này chủ yếu dựa vào việc buôn lậu chó bất hợp pháp trong khi tất cả các nước trong vùng đã ra lệnh cấm vận chuyển chó chưa được tiêm chủng dại, chó không có chứng nhận sức khỏe, giấy phép nhập khẩu, và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 23/1 vừa qua, Cục Thú y Việt Nam cũng đã ban hành công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, ngăn chặn buôn lậu chó tại các cửa khẩu khi quan ngại về nguy cơ gia tăng và bùng phát bệnh dại.

Công văn của Cục Thú y chính là biện pháp hiện thực hóa việc thực thi pháp luật, các kiến nghị và giải pháp được đưa ra sau cuộc tọa đàm thảo luận về vấn đề thịt chócũng như những nguy cơ tiềm tàng của bệnh dại xuất phát từ việc buôn lậu chó qua biên giới tại Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái giữa đại diện chính phủ các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, và Lào, các thành viên của Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA).

Công văn nhấn mạnh vào việc "đặc biệt chú trọng kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển chó mèo qua biên giới; ngăn chặn, nghiêm cấm xử lý chó mèo nhập lậu." Trong chiến lược chấm dứt ngành kinh doanh ngầm bất hợp pháp này, song song với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống việc vận chuyển kinh doanh chó và thịt chó nhập lậu, Cục Thú y cũng đặt ra yêu cầu tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính phi pháp của các hoạt động vận chuyển chó mèo nhập lậu, cũng như các biện pháp phòng chống đến cộng đồng thông qua việc phối hợp với các cơ quan kiểm dịch, các chi cục Thú y các tỉnh, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tin tại chúng và các tổ chức đoàn thể.

Liên minh ACPA bao gồm bốn thành viên: Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation), Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), và Tổ chức Soi Dog -Thái Lan (Soi Dog Foundation), phối hợp với cơ quan chức năng tại bốn quốc gia Đông Nam Á nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật phòng chống bệnh dại và kiểm soát nạn buôn bán chó trái phép không được kiểm dịch qua các biên giới. Sau Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái, các cơ quan chức năng đã thống nhất về việc tạm dừng 5 năm các hoạt động thương mại liên quan đến chó giữa các quốc gia có chung biên giới nhằm chấm dứt việc buôn bán vận chuyển chó.

Ngày 17, 18 tháng 2 năm 2014 tới đây, phiên họp tiếp theo với chủ đề "Những giải pháp thiết thực và nhân văn cho công tác loại trừ bệnh dại" giữa chính phủ các nước và các Tổ chức nhân đạo họp bàn về vấn đề này sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan dưới sự chủ trì của Liên minh ACPA và chính phủ Thái Lan. Đại diện cho Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Cục Thú Y sẽ tham dự phiên họp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn vận chuyển kinh doanh chó nhập lậu xuyên biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.