Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, gần đây, tại một số nơi đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, làm nhiều người phải nhập viện điều trị, thậm chí có trường hợp tử vong, gây lo lắng trong dư luận xã hội.
Có thể kể ra vụ ngộ độc thực phẩm mới xảy ra tại Công ty TNHH Bo Hsing (tỉnh Vĩnh Long) ngày 12-8 khiến 215 người phải nhập viện điều trị. Còn ở tỉnh Khánh Hòa, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh trong hai ngày (11 và 12-3) đã làm 369 người phải nhập viện điều trị. Tại tỉnh Đồng Nai, vụ ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng cũng làm 547 người phải nhập viện…
Nguyên nhân của những vụ ngộ độc tập thể nói trên được xác định là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp lương thực, thực phẩm đã thu gom nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế hiện nay cho thấy, dù cấp huyện, cấp xã đã được phân cấp về công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng việc triển khai ở một số nơi vẫn chỉ mang tính hình thức, khiến vi phạm không được phát hiện, xử lý sớm, dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn vẫn xảy ra.
Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập. Cùng với đó, các cấp, ngành cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm, đô thị lớn, các khu du lịch, nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch..., hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, các địa phương cần kiểm tra, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động. Chính quyền địa phương cũng cần bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại các chợ, bếp ăn tập thể theo phân cấp quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở cung ứng thực phẩm, người tiêu dùng nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, nhằm tạo chuyển biến thực sự trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm ở từng địa phương, đơn vị... Chỉ có như thế chúng ta mới ngăn chặn, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần cải thiện sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.