Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn ''tín dụng đen'' ở khu công nghiệp

Bách Sen| 01/12/2022 06:25

(HNM) - Hàng loạt gói vay ưu đãi dành cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc, với lãi suất ưu đãi đang được thực hiện hiệu quả. Việc này không chỉ giúp người lao động giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” ở nhiều khu công nghiệp.

Cán bộ Công đoàn huyện Ba Vì tuyên truyền về quy trình vay vốn cho người lao động.

Nhiều người được tiếp cận gói vay

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, chương trình cho công nhân vay vốn ưu đãi được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại tỉnh Bắc Giang vào đầu tháng 6-2022. Để thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và được giới thiệu 2 đơn vị là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON). Các bên thống nhất triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc, với lãi suất ưu đãi.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hiện nay, cả hai công ty nói trên đã tích cực vào cuộc, cùng phối hợp với địa phương và doanh nghiệp nhằm giải ngân gói vay. Các đơn vị này đã lần lượt ký kết hợp tác với Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh để triển khai cho vay gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của mỗi đơn vị.

Theo quy định, người lao động muốn sử dụng gói vay ưu đãi phải là đoàn viên Công đoàn, người lao động có tên trong danh sách thông tin cấp tín dụng được cung cấp bởi các cấp Công đoàn cơ sở. Ngoài ra, người lao động cần có hồ sơ tín dụng tốt, lịch sử tín dụng rõ ràng, có hợp đồng lao động và thu nhập ổn định tại doanh nghiệp. Các mức lãi suất khác nhau sẽ phụ thuộc vào hồ sơ và nhu cầu vay vốn của từng người lao động.

Mong đơn giản điều kiện, thủ tục

Được biết, Liên đoàn Lao động thông qua các tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp trên địa bàn đang phối hợp với các chi nhánh, điểm giao dịch của 2 công ty tài chính kể trên để phổ biến cụ thể các chính sách ưu đãi cho vay tiêu dùng. Cụ thể gồm: Cho vay tiền mặt (lãi suất 15-20%/năm, giảm 50-70% so với lãi suất cho vay thông thường), cho vay trả góp mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình (lãi suất thấp nhất 0%, trả trước từ 0 đồng), cho vay qua thẻ tín dụng (lãi suất 0-25%/năm, hạn mức 6-60 triệu đồng/thẻ)…

Sau khi phổ biến các chính sách ưu đãi cho vay và giới thiệu trình tự, thủ tục vay vốn, giải ngân, phía Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố sẽ làm việc với các doanh nghiệp tại địa phương về các vấn đề cụ thể. Qua đó lựa chọn, tổng hợp danh sách công nhân, người lao động có nhu cầu vay vốn và chuyển qua công ty tài chính tiến hành làm hồ sơ qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động và website để cho vay và giải ngân.

Điểm tích cực của hoạt động này là tính kết nối giữa tổ chức Công đoàn và đơn vị vay vốn, vừa giúp người lao động nhận diện, hạn chế rủi ro bị các app cho vay trực tuyến lừa gạt, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Đồng thời, tạo điều kiện cho Công đoàn của doanh nghiệp mở rộng hoạt động, nâng cao kiến thức tài chính cho người lao động, lan tỏa dịch vụ tài chính tiêu dùng chính thống. Tuy nhiên, nhiều công nhân và cán bộ Công đoàn cơ sở ngoài đánh giá cao gói vay ưu đãi cũng bày tỏ mong muốn chương trình có điều kiện, thủ tục đơn giản giúp mọi người lao động khó khăn có thể tiếp cận vốn.

Làm việc hơn 4 năm trong một công ty da giày tại Hà Nội, thu nhập của chị Nguyễn Thị Hoài (quê thành phố Cần Thơ, đang ở trọ ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) là 7 triệu đồng/tháng. Một mình nuôi con học đại học nên chị Hoài rất vất vả và mong có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn vay dài để có điều kiện trả nợ. Về thủ tục, theo chị Nguyễn Thị Hoài, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác nên nghiên cứu theo hướng đơn giản để nhiều công nhân được tiếp cận. Danh sách vay chỉ cần chủ doanh nghiệp bảo lãnh và Công đoàn cơ sở xác nhận là đủ. Các ngân hàng cũng cần gia tăng kết nối với doanh nghiệp, khách hàng để thúc đẩy các gói vay nhỏ lẻ cuối năm, giúp người lao động có nhiều sự lựa chọn.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Minh Đức (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Quang Duẫn góp ý, nếu xác định mục tiêu hỗ trợ công nhân thì các đơn vị cho vay vốn nên tính đến phương án người lao động gặp rủi ro trong thời gian vay để xem xét giảm lãi suất tối đa hoặc không tính lãi. Làm được như vậy, chương trình này không chỉ “giải khát” cho nhu cầu chi tiêu thiết yếu, giúp người lao động giữa bộn bề lo toan những ngày cuối năm, mà còn hướng tới việc từng bước xây dựng thói quen vay tiêu dùng văn minh và quản lý tài chính lành mạnh, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn ''tín dụng đen'' ở khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.