Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Nhóm phóng viên| 20/08/2022 06:20

(HNM) - Dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, kèm theo các dịch bệnh mùa hè đang vào mùa nên nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cũng như thực phẩm chức năng gia tăng đột biến. Tận dụng cơ hội này, các đối tượng xấu đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng. Để ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Người dân cần đến các nhà thuốc có uy tín để tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Ảnh: Ngân Thùy

Phát hiện nhiều loại thuốc bị làm giả

Ngày 11-8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất căn hộ ở tầng 18 tòa nhà chung cư Hanoi Center Point (27 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân), phát hiện một kho thuốc do nước ngoài sản xuất. Trong diện tích khoảng 100m2 của căn hộ chứa nhiều loại thuốc kháng sinh Tavanic, thuốc chữa ung bướu Femera, thuốc chữa đau đầu Depakin, thuốc huyết áp Plavix, thuốc điều trị mỡ máu Crestor, thuốc trị tiểu đường các loại… với số lượng 147.962 đơn vị thuốc. Chủ lô hàng khai nhận, toàn bộ số thuốc trên không có hóa đơn, chứng từ.

Sau đó một ngày, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cảnh báo tới các địa phương về mẫu thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai). Trên nhãn sản phẩm ghi do Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long sản xuất. Cục Quản lý dược đã chỉ ra các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa thuốc giả với thuốc thật, như: Chữ in trên nhãn hộp thuốc giả sai phông chữ so với thuốc thật; xung quanh viền thuốc giả in số lô - hạn sử dụng trên vỉ sai khác so với thuốc thật; thuốc giả có viền xung quanh nhẵn bóng, thuốc thật có viền xung quanh có gai… Những dấu hiệu này được đưa ra để các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc Cefuroxim 500 giả.

Trước đó, Cục Quản lý dược cũng phát hiện nhiều sản phẩm thuốc giả như mẫu thuốc Voltarén 75mg giả; thuốc giảm đau, hạ sốt Ophazidon bị làm giả; thậm chí cả thuốc điều trị ung thư và đông máu cũng bị làm giả…

Việc sản xuất, buôn bán, sử dụng các loại thuốc giả, kém chất lượng gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc chân chính. Vì vậy, Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc trên địa bàn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm…

Lực lượng chức năng kiểm tra số lượng thuốc không có hóa đơn, chứng từ tại một căn hộ ở chung cư Hanoi Center Point (27 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân).

Cùng vào cuộc quyết liệt

Việc gia tăng tân dược giả, thuốc kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn… ngoài lý do về dịch bệnh tăng, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người tiêu dùng, còn có sự “giúp sức” từ hoạt động thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ, bởi đây là kênh tiêu thụ hàng hóa khiến các cơ quan chức năng khó kiểm tra, giám sát.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng thông tin, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng rao bán, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng… Việc giao nhận hàng qua công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính cũng như việc các đối tượng còn sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh, tập kết hàng giả khiến lực lượng chức năng khó khăn hơn trong việc tiếp cận kiểm tra, xử lý.

Để ứng phó với thực trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, hoạt động lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… để buôn bán hàng lậu, hàng giả có xu hướng tăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 60 nhóm Facebook kinh doanh kit test nhanh Covid-19 với 47 nhóm công khai và 13 nhóm kín; gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.

“Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố (Ban Chỉ đạo 389/TP) tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra từ cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận, các cảng hàng không quốc tế…, nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa lượng hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới về Hà Nội. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài chặt chẽ hơn, phải kèm theo hóa đơn chứng từ nhập khẩu ngay trong quá trình lưu thông hàng hóa, không chấp nhận đơn hàng nội địa thông thường, không chấp nhận việc ghi giá trị hàng hóa thấp để đối phó với lực lượng chức năng…”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Về phía người tiêu dùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Tạ Mạnh Hùng khuyến cáo, chỉ mua thuốc tại các cơ sở hợp pháp, mua thuốc rõ nguồn gốc; thông báo dấu hiệu nghi ngờ về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cấp thẩm quyền, nhằm giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời thuốc giả, thuốc kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.