Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thực phẩm "bẩn" vào trường học

Thanh Tàu| 27/05/2019 08:36

(HNM) - Chị Lê Thị Thanh Hà (ngụ tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) có con đang theo học tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, cho hay: “Mỗi khi con tôi đi học về, gia đình thường hỏi con về đồ ăn trong trường. May mắn là con tôi đều nói rất ngon và sạch… Mỗi lần họp phụ huynh cho cháu, chúng tôi đều có ý kiến đóng góp với nhà trường để bữa ăn của các cháu được bảo đảm”.

Lỗ hổng thường gặp trong bữa ăn học đường vẫn là nguồn nguyên liệu. 


Theo báo cáo của Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 1.974 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông và 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học bao gồm căng tin, bếp ăn tập thể tự tổ chức, bếp ăn tập thể thuê nấu và cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Từ năm 2016 đến 2018, thành phố có 14 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó 5 vụ xảy ra trong trường học với 178 học sinh bị ngộ độc... Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai thí điểm tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn đạt chuẩn của chuỗi thực phẩm an toàn tại 6 quận (3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) với 498 trường. Theo kế hoạch, trong năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai tiếp nhận thực phẩm đạt chuẩn ở tất cả các trường trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các trường học thời gian qua, lực lượng chức năng nhận thấy lỗ hổng thường gặp trong bữa ăn học đường vẫn là nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, các cơ sở không bảo đảm quy trình bếp một chiều, kiểm tra các khâu trong quá trình chế biến thực phẩm có nguy cơ nhiễm bệnh lớn...

“Hiện nay, luật quy định vẫn còn chung chung, chỉ quy định sản phẩm cung ứng vào các trường học thì phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Còn chúng tôi nâng lên một mức, tức là nguyên liệu tươi sống thì phải đạt các tiêu chuẩn an toàn. Đơn cử, chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn của Ban Quản lý an toàn thực phẩm là thực phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, HACCP, ISO...”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Ông Quách Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã ký hợp đồng với một cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, có đầy đủ giấy chứng nhận về bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, trường cũng yêu cầu cơ sở này mua nguyên liệu thực phẩm tại những đơn vị uy tín. Ngoài thực đơn hằng ngày do nhà trường đưa ra, Ban Giám hiệu cùng Hội Cha mẹ học sinh và các bậc phụ huynh mỗi tháng tới khảo sát điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học còn gặp một số khó khăn như sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không đủ để cung cấp cho trường học. Vì vậy, nhà trường phải ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau, dẫn đến việc kiểm soát về an toàn thực phẩm khó khăn... Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Ban Quản lý an toàn thực phẩm để tăng cường kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường, ngăn chặn thực phẩm "bẩn" vào trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thực phẩm "bẩn" vào trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.