Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Yêu cầu bức thiết

Nguyễn Lê| 30/10/2015 06:35

(HNM) - Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, khi phát hiện chất cấm trong thịt gia súc tại lò giết mổ, các đơn vị chức năng lập tức truy tìm đến tận trang trại để kiểm tra.

Tuy nhiên, khi lấy mẫu trong bao thức ăn để phân tích thì không phát hiện chất cấm, nhưng khi lấy mẫu ngay tại máng ăn thì lại phát hiện chất cấm. Ông Nguyễn Phước Trung cho rằng, hiện nay chất cấm được sử dụng chủ yếu bằng hình thức cho trực tiếp vào máng ăn, nhằm tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng. Vừa qua, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 159 mẫu thịt để kiểm tra tồn dư chất cấm. Kết quả ban đầu cho thấy có 3/159 mẫu dương tính với chất cấm. Sau khi kiểm tra bằng phương pháp LC/MS, kết quả có 2/159 mẫu thịt dương tính salbutamol với hàm lượng cao.

Người tiêu dùng đang hoang mang về thịt bán tại chợ chưa được kiểm soát chất lượng.



Theo các cơ quan chức năng, hiện nay nguồn gia súc có nguy cơ tồn dư chất cấm cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, sau các đợt kiểm tra phát hiện có tồn dư chất cấm, cơ quan này phối hợp với các địa phương - nơi xuất xứ nguồn gia súc đó - để yêu cầu trang trại chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ lưu giữ các lô gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm ngay tại chuồng trại, cơ sở giết mổ dưới sự giám sát của trạm thú y quận, huyện. Sau đó, tiếp tục lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm chừng nào có kết quả âm tính với chất cấm mới được phép giết mổ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với cách làm này, sẽ không đủ sức răn đe cũng như không thể loại bỏ được nguy cơ chất cấm trong chăn nuôi, bởi người nuôi, cơ sở giết mổ sẽ tìm mọi cách để qua mặt các cơ quan chức năng.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tình trạng người chăn nuôi cho chất cấm vào thức ăn gia súc có sự biến tướng so với trước đây. Theo ông Thảo, những đợt kiểm tra gần đây cho thấy chất cấm bị phát hiện chủ yếu là salbutamol thay vì trước đây chủ yếu là clenbuterol, lý do là người nuôi lách luật. "Trong Thông tư 24/2013/TT-BYT của Bộ Y tế không quy định salbutamol là chất cấm độc dược không được phép sử dụng trong chăn nuôi", ông Phan Xuân Thảo lý giải và cho hay, nhiều trường hợp người nuôi lợi dụng kẽ hở của pháp luật, viện dẫn những điều khoản của quốc tế nên gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. Còn tại các lò mổ, khi phát hiện nguồn gia súc bị tồn dư chất cấm khi chưa kịp giết thịt, nhiều trường hợp cũng chưa kiên quyết để tiêu hủy, mà giữ lại một thời gian nhất định để loại thải, sau đó xét nghiệm trở lại rất tốn kém so với việc tiêu hủy ngay tại chỗ. Điều này cho thấy những quy định hiện nay chưa chặt chẽ, các biện pháp thực thi cũng chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho rằng, để loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi, doanh nghiệp khi tổ chức thu mua nguồn gia súc nguyên liệu phải kiên quyết nói không với chất cấm. Nếu phát hiện cơ sở chăn nuôi nào cho chất cấm vào gia súc có thể chấm dứt hợp đồng thu mua. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, biện pháp kiểm tra, kiểm soát lâu nay được tiến hành thường xuyên, với tần suất ngày càng nhiều hơn nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để tình trạng cho chất cấm vào gia súc. Do đó, ông Trung đề nghị cần phải có biện pháp đủ mạnh, mà một trong những biện pháp mang tính răn đe là tiêu hủy, đóng cửa chuồng trại chăn nuôi, công bố công khai tên các đơn vị vi phạm.

Đứng về phía các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc ngăn chặn chất cấm trong ngành chăn nuôi hiện nay là yêu cầu bức thiết. Theo ông Lịch, nếu tiếp tục sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi thì nghề chăn nuôi và ngành sản xuất thực phẩm của chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà khi thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là "nhanh chóng đưa nghị định quản lý thức ăn chăn nuôi của Chính phủ (đã có 20 năm nay - 1996) thành pháp lệnh hoặc luật để quản lý chặt chẽ thức ăn chăn nuôi mới đủ sức ngăn chặn thực trạng này", ông Lê Bá Lịch nhấn mạnh.


Doanh nghiệp không dại sử dụng chất cấm

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho rằng, dù không bao giờ sử dụng chất cấm trong kinh doanh thực phẩm từ gia súc nhưng công ty đã nhiều lần bị "họa lây" bởi sự đánh đồng của người tiêu dùng. "Chúng tôi ủng hộ việc công bố tên cơ sở, trang trại vi phạm trong việc sử dụng chất cấm để doanh nghiệp biết mà không hợp tác với họ. Doanh nghiệp thì không dại gì làm điều này". Còn ông Kiều Minh Lực (Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam) cho biết, quy trình sản xuất đầu vào, đầu ra của công ty được kiểm soát rất chặt chẽ và công khai cho người dân tham quan mô hình sản xuất. "Chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng thu mua ngay đối với những đơn vị chăn nuôi có sử dụng chất cấm", ông Kiều Minh Lực khẳng định
.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Yêu cầu bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.