(HNMCT) - Kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã cho thấy sức sống mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” cũng đặt ra bài toán cần giải quyết, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước để tránh những hệ lụy, biến tướng đang đe dọa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Di sản thành "dịch vụ tâm linh"?!
Gần đây, bà Lê Thị Thảo (chung cư Silver Wings, quận Long Biên, Hà Nội) thường xuyên nhận được lời mời kết bạn từ một số tài khoản Facebook có ảnh đại diện là các thanh đồng trẻ đẹp. Vốn thích Tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Thảo tò mò vào xem trang cá nhân của họ nhưng chỉ thấy những status (dòng trạng thái) “phán” hôm nay đề về số bao nhiêu, rồi mời chào xem bói, xem tử vi miễn phí... Mở trang Facebook có tên “Thanh Đồng Khánh Linh” (hay Thiên Danh cô đồng), đi kèm với những bức ảnh chụp cô gái xinh đẹp đang hầu đồng, sửa lễ, dọn dẹp tại một ngôi đền, phủ nào đó là dòng quảng cáo: “Hôm nay sẽ xem phong thủy, ban thờ thần tài, gia tiên cho 100 bạn hữu duyên...”. Trên trang Facebook “Thanh Hằng cô đồng”, mỗi ngày là một bức ảnh khác nhau nhưng luôn có dòng trạng thái quen thuộc: “Hôm nay cô tiếp tục ban lộc lô... Lộc trả tùy tâm”. Thậm chí, những tài khoản này còn “định vị” mình thuộc loại hình “doanh nghiệp địa phương” thay vì tài khoản cá nhân thông thường. Bà Thảo bức xúc: “Hiện tượng các thanh đồng trẻ dùng mạng xã hội mời xem bói, dự đoán kết quả lô đề xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như việc gắn mác “thanh đồng” đã giúp họ kiếm tiền tốt hơn. Nếu đúng như vậy thì thật đáng buồn cho những người hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu một cách nghiêm túc...”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, sau khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” (Tín ngưỡng thờ Mẫu) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ở nhiều nơi bùng phát việc trình đồng, mở phủ. Theo quy ước, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được “đẻ đồng”, nhưng không ít người mới “thử đồng” được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là "đồng thầy". Những người này chủ yếu lợi dụng Tín ngưỡng thờ Mẫu để kiếm tiền bằng việc tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như xem bói, phán truyền, dọa nạt con nhang, đệ tử sắm nhiều lễ vật dâng cúng, rải nhiều tiền để được nhận lộc. GS.TS Ngô Đức Thịnh từng chia sẻ: Trước đây, khi nghi lễ này còn “sạch”, lễ vật hầu đồng là tùy tâm thì nay tiền sắm lễ vật, tiền phát lộc mỗi giá đồng không dừng lại ở tiền trăm mà có khi lên tới tiền tỷ. Mệnh giá tiền phát lộc rất lớn khiến cho màn phát lộc trở thành tâm điểm của các giá đồng. Người ta chen lấn, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành cho được tiền lộc từ các ông đồng, bà đồng. Trên thực tế, 80% nghi lễ hầu đồng hiện nay đã biến tướng, thậm chí bị “vật chất hóa” từ đầu đến cuối.
Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu tôn giáo, thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng khá nhiều tới thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu ở nhiều nơi, mà điển hình là số lượng đền, điện, phủ “mọc nhanh như nấm”. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có khoảng 2.000 đền, điện, phủ, trong đó số lượng thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Mai, thực trạng này cho thấy rõ quy luật “cung - cầu” của kinh tế thị trường. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các con nhang, đệ tử, nhiều chùa thi nhau xây điện Mẫu, các nhà tu hành cũng trình đồng. Không ít đồng thầy coi việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu như một nghề, và điện Thánh đã trở thành địa chỉ “dịch vụ tâm linh” khi họ lo trọn gói các khâu mua sắm trang phục, vàng mã, lễ vật, còn con nhang chỉ việc đến chịu lễ hoặc thực hành nghi lễ, và tất nhiên là chịu... chi tiền.
Loạn danh hiệu, loạn hình thức tôn vinh
Bên cạnh những hiện tượng biến tướng nói trên, PGS.TS Nguyễn Thị Yên (Viện Nghiên cứu văn hóa) chỉ ra một thực tế tồn tại lâu nay kể từ khi di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được vinh danh. Đó là tình trạng loạn danh hiệu, loạn hình thức tôn vinh. Nhiều đơn vị không hề có chuyên môn hay hoạt động nghiên cứu liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tự tổ chức các chương trình vinh danh, liên hoan tại nước ngoài. Đặc biệt, gây bức xúc trong dư luận xã hội là hiện tượng loạn bằng chứng nhận, loạn nghệ nhân. Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ quyền cấp Bằng xếp hạng các di tích Tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng vẫn có nơi tự ý cấp bằng chứng nhận “Đền đạt chuẩn hóa thờ Tam, Tứ phủ Việt Nam” cho một số đền, phủ như phủ Quảng Cung (Nam Định), đền Ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh), đền Lưu Ly (Hoài Đức, Hà Nội)... Đó là chưa kể các chương trình kỷ niệm, tôn vinh như “Chương trình tôn vinh thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc và nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam” của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tổ chức vào tháng 8-2017 mà kèm theo đó là bằng chứng nhận dành cho các thanh đồng với vai trò là “Nhà hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tâm tài đất Việt”...
Việc “loạn tôn vinh” kéo theo hệ lụy là hiện tượng thương mại hóa danh hiệu. Từ đây, một số người đã dùng tiền mua danh hiệu để tăng uy tín cá nhân hoặc đền, điện nhằm mục đích trục lợi. Đó là chưa kể hậu trường các hoạt động liên hoan, giao lưu, vinh danh nói trên còn nhiều vấn đề tế nhị liên quan đến kinh phí, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của một số cá nhân và tổ chức xã hội liên quan.
Chấn hưng văn hóa thờ Mẫu
Không thể phủ nhận là sau 4 năm kể từ ngày được UNESCO vinh danh, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được nhận diện với đúng bản chất của một di sản văn hóa thay vì chịu định kiến là hoạt động mê tín dị đoan như thời gian trước. Cùng với việc được vinh danh, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được tiến hành với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, các địa phương cũng như cộng đồng.
Tuy nhiên, để ngăn chặn các hình thức biến tướng di sản để trục lợi, theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, cần tiến hành các biện pháp chấn hưng văn hóa thờ Mẫu. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, giám sát thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại các cơ sở thờ tự; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về di sản; biên soạn và in ấn các tài liệu hướng dẫn về văn hóa và Tín ngưỡng thờ Mẫu. Các tổ chức xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò kết nối giữa các bên liên quan (Nhà nước và cộng đồng) trong việc giáo dục và truyền dạy - hoạt động quan trọng để chấn hưng văn hóa thờ Mẫu; xây dựng các quy ước mang tính chất hướng dẫn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu như: Quy ước quan hệ giữa các thành viên trong bản hội; Quy ước trong nghi lễ, trang phục, đồ lễ và nghi thức hầu đồng, hát văn; Quy ước trong văn hóa ứng xử giữa các thanh đồng, bản đền... Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để chấn hưng hoạt động liên quan tới Tín ngưỡng thờ Mẫu, cần nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các đồng thầy trong các bản hội, bởi họ chính là người đào tạo, dẫn dắt các con nhang, đệ tử thực hiện theo các chuẩn mực, nền nếp của tín ngưỡng.
Ở góc độ tôn giáo, ông Nguyễn Ánh Chức, Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho rằng: Thời gian qua, Nhà nước đã đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, triển khai các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhà nước đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp về tín ngưỡng, tôn giáo gồm: Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, và một số nghị định. Đối với hình thức thờ Mẫu, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định riêng nhưng vẫn áp dụng các quy định pháp luật chung về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ đã quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, theo đó, Điều 23 nêu rõ: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới”. Dù mức phạt còn nhẹ nhưng đây là cơ sở để lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động biến tướng, làm sai lệch giá trị di sản.
Năm 2020 là năm cuối của Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Với các giải pháp, chương trình hoạt động đã, đang và sẽ thực hiện, hy vọng di sản sẽ được bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị để luôn là tín ngưỡng hoàn toàn thuần Việt, xứng đáng với sự ghi nhận của thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.