(HNM) - Do bất cập trong công tác quản lý nhà nước tại khu vực địa bàn giáp ranh nên tình hình khai thác cát ở lòng sông luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp...
Thời gian gần đây, trên lưu vực sông Hồng, địa bàn các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, quận Bắc Từ Liêm, quận Long Biên... tái diễn tình trạng khai thác cát trái phép. Các đối tượng thường lợi dụng khu vực giáp ranh giữa TP Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên để tránh sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng, thực hiện hành vi vi phạm. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như thường xuyên thay đổi quy luật, lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ để bơm hút cát... Hậu quả của việc khai thác cát trái phép lòng sông không chỉ đe dọa an toàn đê điều, công trình thủy lợi, làm sạt lở đất canh tác ven sông, ô nhiễm môi trường mà còn gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của các địa phương…
Bàn giao thiết bị định vị cầm tay phục vụ công tác đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên sông. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, lực lượng Công an thành phố tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên sông Hồng, sông Đuống của các doanh nghiệp, hộ gia đình... Hằng năm, Công an thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép. Kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng Công an Hà Nội là năm 2015 đã bắt giữ 124 vụ, với 180 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 2,1 tỷ đồng, tịch thu 242 đầu nổ, sên vòi, 6 tàu hút. Riêng 10 tháng đầu năm 2016, Công an thành phố đã bắt giữ 151 vụ, với 191 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 2,8 tỷ đồng, tịch thu gần 300 đầu nổ, sên vòi…
Tuy nhiên, theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội), trong công tác đấu tranh với các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc còn nhiều đoạn sông chưa phân định rõ ràng về địa giới hành chính. Có địa phương cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát vào địa giới hành chính TP Hà Nội. Có doanh nghiệp, hộ gia đình lợi dụng giấy phép được cấp ở địa phương khác tổ chức khai thác lấn vào địa giới Hà Nội… Kiểm tra phương tiện khai thác cát vùng giáp ranh, lực lượng công an không thể lập biên bản ngay lập tức vì thiếu thiết bị xác định địa giới...
Nhằm đấu tranh hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình lợi dụng giấy phép, thực hiện dự án để khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố và khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã sử dụng kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của Quỹ Bảo vệ môi trường đầu tư thiết bị định vị cầm tay cung cấp cho Công an thành phố. Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, đây là những thiết bị hỗ trợ rất hữu ích cho lực lượng Công an thành phố trong việc đấu tranh phòng ngừa, xử lý hành vi khai thác cát trái phép, sai phép trên tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống… Việc trang bị thiết bị hỗ trợ không chỉ giúp lực lượng Công an thành phố xác định chính xác vị trí, ranh giới làm căn cứ xử lý doanh nghiệp, hộ gia đình vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác mà còn cho thấy sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tăng cường quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh những giải pháp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các tỉnh lân cận xác định mốc giới trên sông, góp phần khắc phục những bất cập trong thời gian qua, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép địa bàn giáp ranh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.