(HNM) - Tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn lòng vòng; kê khai, nâng khống hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế giá trị gia tăng diễn ra không những gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Ngành Thuế đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên.
Thời gian qua, cơ quan Thuế đẩy mạnh thanh tra, đặc biệt đã thực hiện nhiều chuyên đề kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, qua đó đã phát hiện hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính riêng năm 2021, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã thông báo từ chối không hoàn 18.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,8% số tiền đề nghị hoàn. Đối với thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, 63 cục thuế đã thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, tương ứng với tổng số tiền hoàn 43.712 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811 tỷ đồng, từ đó đã nộp ngân sách nhà nước 311 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và liên quan đến nhiều địa bàn. Một số cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp không vì mục đích kinh doanh mà với mục đích sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính. Thủ đoạn khác là doanh nghiệp mua hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để làm chứng từ “hợp pháp hóa” đầu vào, kê khai khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng; câu kết với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí…
Vừa qua, trong công tác quản lý thuế, các cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng, như: Một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng…
Trước đó, vào cuối tháng 11-2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 14 đối tượng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” có hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Từ khoảng năm 2017, các đối tượng mua lại pháp nhân nhiều công ty, không hoạt động kinh doanh mà chỉ dùng để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Giá trị hàng hóa trước thuế ghi trên hóa đơn mà các đối tượng bán ra lên đến 1.000 tỷ đồng, hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của doanh nghiệp để đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hành vi này diễn ra khá nghiêm trọng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng, bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Để từng bước ngăn chặn và phấn đấu chấm dứt tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thống nhất toàn ngành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo quy trình hoàn thuế thay thế Quy trình hoàn thuế hiện hành.
Việc xây dựng quy trình hoàn thuế mới dựa trên nền tảng tự động hóa tối đa các bước công việc nhằm bảo đảm kiểm soát tiến độ giải quyết hoàn thuế, trách nhiệm của từng cá nhân, kiểm soát công tác quyết toán hoàn thuế. Quy trình phải có sự kết nối, đồng bộ giữa các quy trình quản lý thuế khác có liên quan trên cơ sở quản lý rủi ro, ứng dụng thanh tra, kiểm tra, ứng dụng về kiểm tra nội bộ trong công tác kiểm soát hoàn thuế.
Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết, dự thảo quy trình hướng dẫn rõ và cụ thể hơn đối với bước tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử, bảo đảm điện tử hóa một cách tối đa các bước công việc cần thực hiện; danh mục hóa các trạng thái hồ sơ hoàn thuế, mã lỗi, phân công xử lý, giải quyết hồ sơ hoàn thuế…, từ đó hỗ trợ cho công tác giải quyết hoàn thuế.
Với các giải pháp trên, cùng việc ngành Thuế đang đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, tin rằng tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ sớm được ngăn chặn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.