(HNM) - 8.306 tỷ đồng là tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra do Tổng cục Thuế thực hiện trong 9 tháng qua. Để siết chặt quản lý thuế tại các doanh nghiệp (DN), hạn chế tình trạng
Dẫn đầu thị trường đồ uống nhưng CocaCola Việt Nam liên tục báo lỗ. Ảnh: Thuận Thắng |
Lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất - kinh doanh
Liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn mở rộng sản xuất - kinh doanh là trường hợp của các “đại gia” Metro, CocaCola. Cả hai đơn vị này đều là những DN có vốn đầu tư nước ngoài tên tuổi trên thị trường, sau một thời gian dài hoạt động tại Việt Nam nhưng số tiền thuế đóng góp vào ngân sách rất hạn chế. Trong hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, CocaCola liên tục báo lỗ với con số lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên DN không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng 20-30%/năm. Trong khi Metro, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002, sau 14 năm, doanh thu tăng gấp 24 lần nhưng vẫn liên tục báo lỗ, với lý do chưa bù đắp đủ giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. Năm 2014, sau thanh tra, cơ quan Thuế đã truy thu hơn 500 tỷ đồng của DN này. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, DN có vốn đầu tư nước ngoài là những DN mạnh, lại được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Nếu họ thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế thành công thì DN nội lại càng lép vế.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thuế đã thanh tra, kiểm tra 48.204 DN; kiểm tra 574.484 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Kết quả, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 8.306 tỷ đồng. |
Để hạn chế "chảy máu" ngân sách, đặc biệt là tại khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đang gấp rút lấy ý kiến để hoàn thiện Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, nhằm chống thất thu NSNN. Theo đó, những DN có giao dịch liên kết đã kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm trở lên, nhưng tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh sẽ vào diện bị thanh tra, kiểm tra thuế. Dự thảo cũng quy định Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá chuyển nhượng của các bên có quan hệ liên kết. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông… có trách nhiệm phối hợp, cung cấp cho Bộ Tài chính thông tin về các giao dịch liên quan, như chủ tài khoản, nội dung giao dịch, người liên quan, dữ liệu về các khoản vay, các thông tin liên quan đối với dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ.
Hợp tác quốc tế để chống chuyển giá
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), hiện có ba giải pháp để hạn chế trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá. Thứ nhất, cần sửa đổi luật lệ theo hướng đơn giản hóa, hợp lý và minh bạch các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thứ hai, cần có các quy định chặt chẽ liên quan đến xác định chi phí đầu vào, đầu ra của DN và cơ chế, chính sách để xử lý kịp thời khi sự việc xảy ra. Thứ ba, với những DN xuyên quốc gia, phải có sự hợp tác với quốc tế.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm thiết lập mạng lưới liên kết nhằm kiểm soát dòng tiền các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nguồn gốc của dòng tiền, qua đó ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, hạn chế thất thu NSNN.
Để hoạt động chống chuyển giá đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, cho rằng cần tổ chức các lực lượng thực thi đủ mạnh trong bộ máy quản lý, như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chống chuyển giá, mở rộng diện khấu trừ thuế tại nguồn và đặc biệt là thực hiện cơ chế định giá trước. Theo cơ chế này, các DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.