Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn các khoản thu thêm

Thu Trang| 16/07/2018 07:04

(HNM) - Hôm qua (15-7), Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, chính thức có hiệu lực.

Người dân kỳ vọng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ giúp giảm các khoản thu thêm.Ảnh: Thái Hiền


“Tù mù” giá khám chữa bệnh

Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó điều chỉnh giảm từ 6% đến 24% đối với 70 dịch vụ. Cụ thể, giá khám bệnh của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã giảm 17%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm có mức giảm bình quân 24%...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, việc điều chỉnh giá góp phần cân đối quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT; làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, giá dịch vụ giảm nên số tiền chi trả của người bệnh cũng giảm.

Thế nhưng, việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ kỹ thuật cũng gây ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Đơn cử như tại bệnh viện hạng 1, tiền khám trước đây là 39.000 đồng/lượt thì nay giảm xuống còn 33.100 đồng/lượt; giá dịch vụ giường điều trị hồi sức tích cực giảm từ 632.200 đồng/ ngày xuống 615.600 đồng/ngày.

Các dịch vụ kỹ thuật như chụp CT scanner 32 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 536.000 đồng/ lượt xuống 512.000 đồng/lượt, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2,336 triệu đồng/ lượt xuống 2,2 triệu đồng/lượt… Như vậy, với những bệnh viện tiếp nhận từ 1.000 đến 4.000 bệnh nhân/ngày thì mức “thâm hụt” do điều chỉnh giá dịch vụ là không hề nhỏ.

Hiện nay, một số bệnh viện có những khoản thu thêm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Bà Đặng Thị Thìn (65 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) thắc mắc, người dân đi khám bệnh khá “tù mù” về chi phí thuốc, điều trị. Tại nhiều bệnh viện, giá dịch vụ được niêm yết công khai nhưng trong quá trình điều trị, người bệnh không biết mình được dùng những loại kỹ thuật, dịch vụ nào.

Siêu âm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.


Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, tại khu vực phía Bắc, nhất là tại một số bệnh viện tuyến trung ương vẫn xảy ra tình trạng thu thêm. Hằng ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn tiếp nhận phản ánh của nhiều bệnh nhân về việc phải đóng thêm khá nhiều tiền mà không được cơ sở y tế giải thích, dù họ thuộc nhóm đối tượng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh…

Trên thực tế, người bệnh không biết mình đang thụ hưởng cái gì để họ có thể giám sát. Chẳng hạn, buồng bệnh có điều hòa hay không, quần áo bệnh nhân như thế nào, có được thay 1 lần/ngày hay 3 ngày mới thay 1 lần...

Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí giường bệnh theo định mức nhân lực của từng cơ sở y tế là vấn đề đáng bàn. Thực tế không thể duy trì mức thanh toán giường bệnh với giá 200.000 đồng/ngày với một bệnh viện có định mức nhân lực 0,4 - 0,5 nhân viên y tế/giường bệnh và một bệnh viện có định mức 1 đến 1,2 nhân viên y tế/giường bệnh… Một số bệnh viện tận dụng hành lang, gầm cầu thang… để kê thêm giường điều trị, một số phòng chỉ đạt 2m2/giường bệnh, dưới mức tiêu chuẩn (5m2/giường bệnh).

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Ông Lê Văn Phúc cho rằng, Bộ Y tế và các bệnh viện cần công khai căn cứ xây dựng giá dịch vụ y tế để người dân giám sát việc thực hiện và để họ biết mình được hưởng những quyền lợi gì. Mặt khác, Bộ Y tế cần yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh công khai số tiền thu của bệnh nhân, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu thêm. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế sẽ thành lập một số đoàn kiểm tra tình hình thực tế.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối cùng với Sở Y tế thành lập đoàn giám sát tại các bệnh viện, đặc biệt là về việc kê thêm giường bệnh, chỉ định dịch vụ kỹ thuật đối với bệnh nhân vào điều trị nội trú... Nói vậy là bởi thực tế cho thấy, có bệnh viện chỉ định tới 20-30% bệnh nhân đến khám vào điều trị nội trú, trong khi ở bệnh viện cùng loại khác, tỷ lệ này chỉ khoảng 10%...

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) lưu ý, để thực hiện tốt Thông tư 15/2018/TT-BYT, Bộ Y tế sẽ kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dấu hiệu “lạm phát” chỉ định. Bảo hiểm xã hội Việt Nam định kỳ hoặc đột xuất cung cấp cho Bộ Y tế danh sách cơ sở y tế có dấu hiệu chỉ định điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết để chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có).

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, dù việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo Thông tư 15/2018/TT-BYT sẽ làm giảm nguồn thu nhưng các bệnh viện vẫn phải bảo đảm quyền lợi của người bệnh, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết... Mặt khác, các bệnh viện cần cân đối, cắt giảm chi phí không cần thiết nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Thông tư 15/2018/TT-BYT có những điểm cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Bộ Y tế sẽ sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế và xây dựng giá cho các dịch vụ này, qua đó tăng cường khả năng kiểm soát việc thanh toán.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn các khoản thu thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.