(HNMO) - Cơn mưa tối dường như cũng đủ làm dịu đi cái mệt mỏi sau một ngày dài lên với Trà Bồng. Ngồi viết bài mà tôi không sao quên được câu chuyện lúc chiều khi đang trên đường từ Trà Bồng về Thành phố.
Mấy anh em trong báo Quảng Ngãi gọi điện suốt vừa hỏi xem chuyến đi của tôi có đạt yêu cầu đề ra không, lại cũng muốn “về gặp nhau một chút, xem kế hoạch ngày mai thế nào”. Ở vào tâm trạng như tôi ngày lặng lẽ công tác một mình thế, làm sao không day dứt về cái tình những người làm báo dành dụm cho nhau. Xin lỗi các anh gặp lại hôm sau, tôi cứ cắm đầu cắm cổ viết. Dừng xem lại mấy chi tiết, tôi giật mình đã gần 21h đêm. Biết quán xá ở đâu mà tìm? Tôi gọi điện nhờ ông chủ khách sạm kiếm dùm chút đồ ăn. Khách sạn không có nhưng đúng là người đất Quảng chân tình thật. Ông chủ hỏi tôi muốn ăn gì, quanh đây có mấy thứ đồ ăn thế, ông sẽ cho người đi mua “chút xíu có ngay”.
Tôi nhớ, ngày cách đây cũng mấy chục năm rồi, có dịp đi trên chuyến tàu Thống Nhất, qua cái ga mà dân đi tàu quen gọi là “ga gà”, đấy chính là đất Quảng Ngãi này. Và, đấy cũng hình như chính là món đặc sản “cơm gà” mà nhiều người đi công tác qua đất Quảng này vẫn nhắc. Tôi nhờ ông mua đỡ một suất cơm. Đang đọc dở bài viết, đã thấy chú phục vụ gõ cửa, xách vào một túi nhỏ trong có một hộp đựng cơm, có đủ cả rau, mắm, nước canh. Cơm không biết nấu theo cách gì, bằng thứ gạo gì mà bùi bùi, ngầy ngậy, có cảm giác như xôi nhưng lại không dẻo dính. Gà xé nhỏ nhưng vẫn đủ cho tôi cảm nhận được màu thịt xàm xạm, vị đặm và thơm. Khuya ấy, tôi leo lên tầng cao nhất của khách sạn, mở toang cửa sổ mà ngắm cái thị xã ngày xưa, tôi cứ nghĩ mai rồi còn lời hẹn ấy, để biết dẫu sao tôi đã được một lần về. Để rồi tôi cảm nhận được cái thanh bình trong hơi gió đêm Thành phố, trong cái đau đáu chờ mong một tiếng còi tàu vừa vọng tới.
Hôm sau, chưa 7h sáng đã thấy chuông điện thoại reo, báo có khách đến gặp; Tôi biết mấy anh Báo Quảng Ngãi lại cử người đến đón, để đưa tôi sang làm việc bên khu kinh tế Dung Quất. Xuống phòng khách, đã thấy anh Vương - Phó Tổng biên tập Báo ngồi chờ. Lại nhớ chuyện sau ngày cơn bão số 9 năm 2009 tràn qua Quãng Ngãi đoàn công tác “Quỹ trái tim nhân ái” của Báo Hà Nội mới về trao quà cho bà con trong tỉnh, biết nhiều anh em trong Báo Quảng Ngãi gia đình cũng bị thiệt hại nặng nề nên anh em trong đoàn công tác quyết định lấy tiền riêng của Báo Hà Nội mới tặng bốn anh em mỗi người 1 triệu đồng.
Rồi, cũng chả biết ai đặt điều cho Vương là rút tiền hỗ trợ của bà con, khiến anh cũng khốn khổ mà thanh minh với họ hàng, bè bạn. Chỉ tiếc, sao ở đời những người đi đặt điều cho người khác thì cứ nhởn nhơ, mà người ngay thẳng lại hết bị đe, đến bị triệu đi gặp đủ các cấp mà giải trình này nọ.
Anh Vương đón tôi đi, cứ áy này suốt vì “hôm nay tụi em bận quá, không ai về Dung Quất với anh được”. Đến lúc đưa tôi lên tận xe, anh lại tìm bằng được anh Lê Văn Dũng, Phó ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất mà dặn: “Đã hẹn lịch với anh Thủy Trưởng ban rồi”. Như thế, không nghĩ sao được coi là người bình thường nữa.
Xe theo quốc lộ 1 chạy ngược hướng Bắc - Nam chừng hơn hai chục cây thì rẽ vào đường đi Dung Quất, Con đường lượn qua những gò, đồi xanh mướt màu rừng vút lên từ mặn đắng mồ hôi của người đất Quảng, nhưng mặt đường lì phẳng dẫu đã được mở cả chục năm chờ ngày khởi công xây dựng Khu Công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất.
Tôi lại chợt nhớ đến câu chuyện mà Cảnh và Thái công tác bên Bưu điện Tây Trà kể về cái sự đi tắt đón đầu của ngành để không phải chỉ đến hôm nay, mà ngay cả buổi ban đầu những nhà thầu đủ các nước mạnh về lọc hóa dầu vào đây làm việc, ai cũng hài lòng về công tác đảm bảo thông tin, liên lạc ở đây.
Ngày ấy cách đây cũng mười mấy năm rồi, từ một trạm bưu điện nhỏ trực thuộc Bưu điện Tây Trà, quản lý cả một khu vực rộng lớn, người ít, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật còn khó khăn, nhưng không vì thế Bưu điện tỉnh không dồn sức đầu tư cho Dung Quất. Theo sát, nếu không muốn nói là luôn cùng các ngành điện lực, xây dựng, giao thông vận tải,…đi trước đón đầu trên cả ngàn kilomet đường cáp thông tin các loại đã hầu như phủ kín mọi điểm nằm trong quy hoạch. Để đến hôm nay, Trung tâm viễn thông Dung Quất - nơi mà Cảnh đang là Phó Giám đốc có đủ điều kiện đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước về các loại dịch vụ.
Mười sáu năm đã qua, kể từ ngày 09-11-1994 khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam; tiếp đến năm 1996 Dung Quất được phê duyệt quy hoạch chung thành Khu công nghiệp lọc hóa dầu, Khu tập trung các ngành công nghiệp quy mô lớn gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất, Sân bay quốc tế Chu Lai. Rồi đến năm 2007 được chuyển thành Khu kinh tế đa ngành bao gồm: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông lâm ngư nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc- hóa dầu - hóa chất... Dung Quất đã từng ngày thay đổi.
Ngay cả câu chuyện về xây dựng nhà máy lọc hóa dầu này cũng là một bộ tiểu thuyết trường thiên với sự góp mặt, rút lui của không ít tập đoàn dầu khí nổi tiếng thế giới; để đến ngày 22-9-2009 khi mẻ sản phẩm đầu tiên của cái tổ hợp lọc hóa dầu do chính Việt Nam tự đầu tư này ra mắt, nhiều người vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng. Thôi thì cũng đủ lời bàn. Khen có, chê có, đặt câu hỏi nghi vấn về hiệu quả đầu tư, địa điểm đầu tư... cũng đủ cả. Làm kinh tế mà? Có điều, tôi cứ tự hỏi dưới lòng đại dương, lòng biển Đông bao la của ta, nơi đối diện ngay cảng nước sâu Dung Quất ấy, biết đâu mai này sẽ là đất lành cho bầy cò lửa-những giàn khoan dầu khổng lồ đậu xuống? Và, chưa phải ngày mai, chỉ mới hôm nay thôi, khi những tấn sản phẩm đầu tiên là LPG, Propylen, xăng A95, A92, dầu hỏa, dầu DO, FO và mới đây là xăng Jet A1 cho máy bay xuất xưởng, những lời “bình loạn” ngày hôm qua, xem ra chìm lặng hết rồi.
Không đặt lịch làm việc từ Tổng công ty Dầu khí, tôi biết khó có thể vào thăm được nhà máy lọc dầu, thôi đành... đứng ngắm từ xa.
Nhưng, Dung Quất không chỉ có nhà máy lọc hóa dầu. Làm việc với Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất, đi dọc ngang những con đường đã mở, mới mở trong Khu, tôi hiểu Dung Quất đang đổi thay từng ngày thật.
Với 45.332 ha, nằm trong diện tích quy hoạch, xem ra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư với Dung Quất đâu phải là chuyện nhỏ. Chưa có con số thống kê chính xác cho việc thực thi kế hoạch của năm 2010, với 14 phương án bồi thường, gồm 299,7 ha đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhưng con số 2.820,6 ha đất đã được thu hồi và đưa vào sử dụng, 17 khu tái định cư phục vụ 1.785 hộ dân với gần 15 ngàn khẩu đã ổn định chỗ ở đâu phải là việc làm đơn giản của Ban quản lý khu.
Tôi đã ghé qua VinaShin Dung Quất vào đúng những ngày con “tàu lớn” VinaShin đang dần chìm. Nhìn mấy con tàu chở dầu đang đóng dở nằm sẵn trên âu tàu chờ ngày hạ thủy; nhìn cả những mảnh ghép của những con tàu mới đóng nằm phơi mưa nắng; trong cái im ắng đến lạnh lùng bên chòi gác trước cửa vào nhà máy, tôi biết chỉ để tạo nên hình hài nhà máy này thôi đã có hàng đống tiền của đổ vào đây rồi. Phía xa trước âu tàu, tôi đã thấy thấp thoáng bóng mấy con tàu đang đậu chờ bơm dầu thô nguyên liệu cho nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. Để rồi, tôi tin ngày gần nhất về thăm Quảng Ngãi, ghé Dung Quất, tôi lại được nghe âm thanh rộn rã của tiếng búa, tiếng sắt thép va động; lại được thấy lóe sáng ánh lửa hàn giữa nắng đỏ Bình Sơn.
Tôi đã đến nhà máy thiết bị nặng DooSan Vina, cơ sở chuyên sản xuất các thiết bị cho nhà máy lọc dầu gồm bồn, bể, các khay chứa dầu. Đây còn là nhà máy sản xuất các thiết bị khử mặn nước biển, nặng cả ngàn tấn, có chiều cao 30m, dài 30m, rộng 70m. Rồi thiết bị cho các nhà máy điện như Tuốc pin hơi; các thiết bị nâng hạ loại lớn như cần cẩu bánh xích, cần cẩu bánh hơi, rồi các Rôbốt công nghiệp. Với DooSan Vina những gì đã có, đang có khiến nó ngẫu nhiên trở thành con chim đầu đàn của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam. Ngắm những khu nhà làm việc khang trang, thăm nơi ở của những người thợ DooSan Vina, thăm những khu sản xuất lớn của nhà máy, tôi biết Dung Quất, biết Quảng Ngãi đang vượt lên chính từ những quyết định táo bạo của vị Thủ tướng suốt một đời tìm đường no ấm cho dân-Ông Võ Văn Kiệt.
Tôi cũng biết, chính nhờ sự phát triển nhanh chóng của Khu Kinh tế Dung Quất, kinh tế xã hội của Quảng Ngãi các năm gần đây đã có những bước nhảy vọt đáng khâm phục. Nếu năm 2000 thu ngân sách cả tỉnh đạt 100 tỷ đồng, để rồi có phấn đấu, nỗ lực vượt bậc 5 năm sau (2005) Quảng Ngãi cũng đã đạt đến con số thu 500 tỷ đồng.
Nhưng chưa hết, 5 năm tiếp theo, tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 10.500 tỷ đồng, tăng gấp 105 lần 10 năm trước. Từ một trong những tỉnh còn khó khăn của cả nước, Quảng Ngãi vươn lên đứng vào hàng thứ 5 trong các tỉnh có mức tăng tổng vốn thu ngân sách cao. Sản lượng công nghiệp của Quảng Ngãi đã đạt 40.000 tỷ đồng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD.
Tôi đã đến bến cảng của Công ty dịch vụ xuất nhập khẩu dầu khí, tình cờ gặp một đoàn xe chở những mẻ Polypropylene đầu tiên vừa xuất xưởng, đổ xuống chiếc tàu Buena Estela đến ăn hàng, xuất sang Indonesia. Chắc ngày mai không xa, sản phẩm của nhà máy hạt nhựa PP dẫu chỉ đủ cung cấp 30% nhu cầu của ngành nhựa Việt Nam cũng sẽ làm ấm thêm câu chuyện “người Việt dùng hàng Việt”.
Đứng bên cỗ máy đóng cọc của Công ty Bê tông li tâm tàu Dung Quất, đơn vị đang đảm nhận gói thầu đóng cọc móng cho nhà máy thép Quảng Liên; gặp tốp Công nhân do Nguyễn Văn Lộc, quê ở đảo Lý Sơn, là cán bộ phụ trách đơn vị, tôi biết các anh đang cố gắng hoàn thành những công đoạn đầu tiên cho một công trình lớn ngày mai. Nguyễn Viết Thanh, Lê Hoàng Chương, Nguyễn Văn Hóa... kể cho tôi nghe rằng, loại cọc này được gọi là cọc bê tông mác 800, có đường kính 60cm dài tới 13 đến 15m, trọng lượng 500 tấn/cọc. Mỗi cọc phải đóng sâu đủ 28m khi tới tầng đá gốc mới được dừng.
Nhìn cả đống cọc mỗi chiếc trị giá tới vài chục triệu đồng, tôi biết chả có nhà thầu nào đem vứt cả gần 100 triệu USD để đóng đống cọc này xuống đất rồi bỏ đấy.
Đi dọc mấy làng chài vừa tái định cư bên bến cá ngày nào, ngắm nhìn những con tàu to nhỏ đủ loại, chiếc đang chuẩn bị cho ngày ra biển, chiếc vừa băng qua sóng dữ trở về, ngả mình trên bóng nắng; biết người xứ Quảng không cam chịu bao giờ, để bám đất mà học hành vươn tới đủ sức phục vụ cho con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương; bám biển không chỉ cho khoang thuyền đầy tôm cá, mà còn theo bước cha ông khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Chia tay Dung Quất khi cơn mưa chiều mờ trời đất, qua khu đô thị Vạn Tường, nơi cách đây 45 năm (18/8/1965) đã diễn ra trận đầu diệt Mỹ quy mô lớn ở miền Nam, tôi biết người Quảng Ngãi đã đi từ đổ nát, từ máu và mồ hôi chát mặn, để bằng ý chí trong học tập mà vươn lên, quyết không cam phận đói nghèo. Để rồi, câu chuyện về một Dung Quất hôm nay sẽ mãi còn là điều không chỉ thế hệ hôm nay mà các thế hệ đi sau thấy và suy ngẫm./.
Quảng Ngãi đêm 02-8-2010
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.