Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngậm ngùi tác phẩm hậu sắp đặt

Tâm Đại| 14/07/2010 07:16

(HNM) - Thường một tác phẩm nghệ thuật sau khi hoàn chỉnh, công bố trước công chúng mới là lúc bắt đầu đời sống của nó. Nhưng lâu nay, phần lớn tác phẩm sắp đặt tại nước ta, sau triển lãm đều chung số phận ngậm ngùi.

Tác phẩm “Nhu cầu” của Lê Anh Hoài tại Ngày thơ Việt Nam 2010.


Xếp xó, thanh lí và vứt bỏ
Trong Ngày thơ Việt Nam diễn ra vào Tết Nguyên tiêu vừa rồi, bạn yêu thơ đều trầm trồ trước tác phẩm sắp đặt "Nhu cầu" của Lê Anh Hoài. Nhà báo, nhà thơ nhảy ngang làm sắp đặt này đã dùng chiếc xe máy Wave của mình sơn trắng, gắn đôi cánh trắng muốt và treo xe theo phương thẳng cứ như nó sắp cất cánh bay lên vậy. Không ít khán giả thắc mắc, sau Ngày thơ, "Nhu cầu" của Lê Anh Hoài sẽ thế nào? Thì tất nhiên, nó đã "hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật" của mình, được tháo cánh, trở về là phương tiện giao thông bình thường.

Nhưng không phải tác phẩm sắp đặt nào sau triển lãm vẫn có thể sử dụng được vào việc này hay việc khác như thế. Nghệ sĩ trẻ Phạm Văn Trường (Trường art) làm tác phẩm "Bom" mang ý nghĩa phê phán chiến tranh từ 64m2 gương, nặng một tấn. Miệt mài dùng viên bi sắt làm vỡ 64 tấm gương, đứt tay chảy máu là chuyện cơm bữa, tác phẩm hoàn thành sau suốt 2 năm dồn tâm lực. Thế mà "bom tấn" của Trường art chỉ được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Việt đúng một tuần. Tiếc "đứa con", Trường tháo tác phẩm cho nhỏ gọn lại, rồi thuê một xưởng vẽ bên Gia Lâm để cất giữ. Trường vẫn hy vọng một ngày nào đó "Bom" sẽ được tiếp tục trưng bày, hoặc có ai đó thích tác phẩm và đủ không gian để có thể sở hữu. 

Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh với triển lãm "Bụi, xe mờ bóng phố" gồm 5 sắp đặt hoành tráng cũng phải ngậm ngùi phá bỏ tác phẩm của mình sau 5 ngày trưng bày. Sắp đặt "Phía trên là bầu trời" thì bị phá bỏ hoàn toàn. Sắp đặt "Đô thị" làm từ 200 bếp than tổ ong được tháo ra, bán thanh lí với giá… đồng nát. 100 tháp rùa bằng thạch cao đựng trên giá được khán giả tô vẽ theo ý muốn đem tặng lại cho một nhiếp ảnh gia. Bàng Nhất Linh tâm sự, có người thích tác phẩm để mình tặng như vậy là tốt rồi.

Thiếu không gian nghệ thuật?
Nghệ thuật sắp đặt đang phát triển mạnh ở nước ta, ngày càng nhiều nghệ sĩ làm sắp đặt với những tác phẩm giàu ý nghĩa. Có người cho rằng không nên quá buồn cho tác phẩm sắp đặt hậu triển lãm. Bởi nghệ thuật sắp đặt chủ yếu trình bày ý niệm của tác giả. Khi tác phẩm trưng bày, thông điệp được truyền tải, thế là tác phẩm có đời sống trong "ý niệm" của công chúng rồi. Vấn đề nữa gặp phải là nhiều tác phẩm sắp đặt có kích thước lớn, không đủ không gian để lưu giữ. Cũng có trường hợp tác phẩm đẹp, nhưng do quá cồng kềnh, hoành tráng, tác giả phải chia, cắt thành những tiểu tiết và chỉ có khả năng giữ các tiểu tiết ấy lại. Vậy thì tác phẩm đã không còn là tác phẩm nữa!

Để kéo dài tuổi thọ cho tác phẩm sắp đặt, tiếp tục cuộc trưng bày tại các phòng triển lãm mỹ thuật, không gian công cộng khác sau lần triển lãm đầu tiên và duy nhất là việc có thể làm ngay. Tuy nhiên, về lâu dài, xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại để trưng bày, lưu giữ các tác phẩm sắp đặt mới là mong muốn của cả công chúng và các họa sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngậm ngùi tác phẩm hậu sắp đặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.