(HNM) - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, nước này bắt đầu khởi động các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Động thái này tuy không gây bất ngờ nhưng được xem là một bước lùi trong cam kết kiểm soát an ninh toàn cầu.
Nga cho biết nguyên nhân dẫn tới quyết định này là những tiến triển "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước Bầu trời mở sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện vào năm ngoái. Được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước cho phép 34 quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau, có quyền tiến hành các chuyến bay không vũ trang qua vùng trời của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Mục đích chính của văn kiện này là tạo điều kiện để các nước cùng nhau theo dõi thực trạng thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Hiệp ước Bầu trời mở được xem là một trong những nỗ lực quốc tế trên phạm vi rộng nhất cho đến nay nhằm thúc đẩy tính công khai và minh bạch của lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự của các nước thành viên. Theo thống kê, kể từ khi Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực vào năm 2002, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của văn kiện này. Tuy nhiên, Mỹ và Nga nhiều năm trở lại đây liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Tới tháng 11-2020, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước.
Trong bối cảnh đó, động thái mới của Nga khiến dư luận thế giới càng lo ngại về sự đổ vỡ của hiệp ước quan trọng này. Đức tuyên bố lấy làm tiếc về động thái của Nga, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát an ninh toàn cầu. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Berlin vẫn ủng hộ tiếp tục và hiện đại hóa việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường ở châu Âu nhằm ứng phó với những thách thức an ninh chung. Quan điểm này cũng được các quốc gia châu Âu chia sẻ.
Dẫu vậy, giới phân tích nhận định, sau sự rút lui của Mỹ, phần lớn các nước tham gia văn kiện đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, việc Nga rời đi chỉ là điều sớm hay muộn. Theo các thỏa thuận của Hiệp ước Bầu trời mở, dữ liệu thu được từ những chuyến bay giám sát được cung cấp cho tất cả các bên tham gia. Tuy nhiên, hiệp ước không có quy định nào cấm các đồng minh của Mỹ chuyển những thông tin này cho Washington cho dù xứ Cờ hoa không còn là thành viên của văn kiện. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Mátxcơva từng đề nghị các đồng minh của Mỹ cam kết duy trì quy định của hiệp ước, trong đó có Điều IX về giới hạn chia sẻ thông tin nhưng hoàn toàn thất vọng với những phản hồi thu được.
Là hai cường quốc về quân sự, việc thiếu vắng cả Mỹ lẫn Nga đặt Hiệp ước Bầu trời mở trước nhiều nguy cơ. Vấn đề này càng trở nên nguy hiểm trong bối cảnh Mỹ đã hủy bỏ tư cách thành viên của thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có hiệu lực từ năm 1998. Trong khi đó, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga cũng sẽ hết hạn vào tháng tới nhưng hiện hai bên vẫn chưa đạt tiếng nói chung trong việc gia hạn.
Theo quy định, 6 tháng sau khi thông báo chính thức với các thành viên, Nga sẽ không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Bầu trời mở. Đây tiếp tục là một dấu mốc ảm đạm nữa đối với các nỗ lực xây dựng lòng tin an ninh cũng như cắt giảm vũ khí trên thế giới, đồng thời có thể châm ngòi cho những cuộc chạy đua vũ trang mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.