Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngã rẽ mới

Thùy Dương| 07/01/2012 09:13

(HNM) - Trong một cuộc họp báo bất thường tại Lầu Năm Góc ngày 5-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, cam kết Quân đội Mỹ sẽ duy trì


Tổng thống B.Obama cùng các quan chức Bộ Quốc phòng trong buổi họp báo tại Lầu Năm Góc, Mỹ ngày 5-1.

Tổng thống B.Obama tuyên bố Quân đội Mỹ sẽ trở nên tinh gọn, được trang bị hiện đại, có khả năng phản ứng nhanh, linh hoạt để tiếp tục đối phó với khủng bố trên toàn cầu, đồng thời mở rộng vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á. Thay đổi lớn nhất trong chiến lược quốc phòng mới của ông B.Obama là việc Mỹ thừa nhận không thể duy trì bộ binh chiến đấu trong nhiều cuộc chiến lớn xảy ra cùng lúc, từ bỏ công thức "chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh" tại Iraq và Afghanistan được duy trì nhiều thập kỷ qua. Thay vào đó, Quân đội Mỹ sẽ tập trung kết hợp những thế mạnh của hải quân và không quân để thực hiện các cuộc tấn công từ xa, với chiến thuật "không chiến - hải chiến". Để đạt được mục tiêu theo chiến lược này, cả hải quân và không quân Mỹ đều phải được trang bị máy bay ném bom, tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái mới, phóng đi từ tàu sân bay. Tất cả những yêu cầu về nâng cấp, cải tiến trang thiết bị này đều đòi hỏi một khoản ngân sách khá lớn trong khối ngân sách chung của quốc phòng Mỹ năm 2012. Song điều này dường như không cản trở gì khi hải quân và không quân Mỹ ít bị ảnh hưởng từ những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng khổng lồ. Chiến lược quốc phòng mới sẽ định hướng cho hoạt động Quân sự Mỹ trong một thời kỳ cần phải "thắt lưng buộc bụng", khi chính quyền của Tổng thống B.Obama chuẩn bị cho việc cắt giảm khoảng 450 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong vòng 10 năm tới. Nỗ lực cắt giảm ngân sách quốc phòng mạnh mẽ này được xem là "dấu ấn cá nhân" của Tổng thống B.Obama khi quyết định "ngã rẽ mới" cho chính sách toàn cầu của Washington sau hơn một thập kỷ sa lầy trong hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Khi chiến lược quốc phòng của Mỹ thay đổi, các nhà phân tích đã đưa ra rất nhiều nhận định, giả thiết về vị trí và tình hình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với Mỹ trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị siết chặt. Tuy nhiên, Tổng thống B.Obama từng khẳng định nhân chuyến thăm Australia tháng 11-2011 rằng: "Việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương". Thực tế từ tháng 11-2011, Tổng thống B. Obama đã tái xác định sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ trở lại vùng Châu Á - Thái Bình Dương, với việc loan báo mở rộng hợp tác thương mại và quân sự với những quốc gia trong vùng, trong đó có nhiều nước cùng chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về các đòi hỏi của Trung Quốc tại biển Đông.

Việc Mỹ chuyển trọng tâm từ Châu Âu sang khu vực Châu Á đầy năng động là một trong những thay đổi chiến lược quan trọng nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II và được xem là động thái nhằm cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc được hình thành trong quá trình kinh tế phát triển cao, liên tục trong những năm vừa qua đã trở thành một vấn đề lớn mà Mỹ phải đối mặt trong quan hệ đối ngoại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc, trong khi đó những nước này lại là đồng minh truyền thống của Mỹ. Ngoài ra, trong gần 10 năm qua, Mỹ đã đánh mất vai trò của mình tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đã thành công trong việc lấp khoảng trống quyền lực tại khu vực này. Quan trọng hơn, việc Mỹ coi Châu Á là trọng tâm chiến lược xuất phát từ nhu cầu lợi ích quốc gia và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Những nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng, so với các khu vực khác trên thế giới, Châu Á là khu vực nhiều triển vọng nhất đối với Mỹ.

Rõ ràng, chính phủ của Tổng thống B.Obama kỳ vọng sự năng động và phát triển của Châu Á sẽ là chìa khóa để nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay và là bước đệm vững chắc cho ông chủ Nhà Trắng đi tiếp nhiệm kỳ thứ hai. Với tư cách là một phần trong Châu Á - Thái Bình Dương, chiến lược tăng cường xây dựng quan hệ đối tác tốt với các thể chế và các quốc gia lớn trong khu vực như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… sẽ giúp Mỹ củng cố được vai trò đồng thời gia tăng uy tín trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngã rẽ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.