(HNM) - Tuần này, Nga và Mỹ đã bắt đầu cuộc đàm phán về vấn đề an ninh, với trọng tâm là đưa ra quan điểm, lập trường và đề xuất liên quan đến những vấn đề nóng hiện nay như tình hình ở Ukraine, an ninh châu Âu nói chung… Dù được dự đoán là phức tạp, khó khăn và trên thực tế cũng chưa có kết quả đột phá nào được đưa ra, song nỗ lực đàm phán đã ghi nhận thiện chí của Mátxcơva và Washington trong việc đối thoại để tìm hướng tháo gỡ các bất đồng.
Phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin dẫn đầu. Đoàn đàm phán của Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu. Trước khi bước vào cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ), đăng tải trên Twitter, phái đoàn Nga tại Geneva bày tỏ các cuộc thảo luận hứa hẹn sẽ có ý nghĩa quan trọng. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ được đánh giá là đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Theo Hãng tin AP, việc tập trung quân đội và thiết bị của Nga gần biên giới Ukraine đã gây ra lo ngại ở Kiev và phương Tây về việc Mátxcơva có hành động quân sự chống lại nước láng giềng, dù Nga liên tục bác bỏ cáo buộc. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả khả năng Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và việc liên minh quân sự này triển khai vũ khí ở đó là “lằn ranh đỏ” đối với Mátxcơva.
Phát biểu trước các phóng viên sau hội đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ W.Sherman cho biết: “Những cuộc thảo luận và trao đổi hữu ích ngày hôm nay sẽ giúp cung cấp thông tin cho con đường phía trước của chúng tôi”. Quan chức Mỹ cũng đề cập tới sự sẵn sàng đàm phán của Nga, ngay cả trong những vấn đề không phải là ưu tiên của Mátxcơva. Về phần mình, người đồng cấp Nga S.Ryabkov đánh giá cuộc trò chuyện với phía Mỹ về bảo đảm an ninh rất phức tạp, dài, sâu sắc, chuyên nghiệp, cụ thể, không né tránh các vấn đề gai góc.
Hãng tin Reuters nhận định, Nga và Mỹ chưa có dấu hiệu thu hẹp sự khác biệt về Ukraine và các vấn đề an ninh châu Âu rộng lớn hơn trong các cuộc đàm phán tại Geneva ngày 10-1. Nhận định các cuộc đàm phán "không phải là vô vọng", nhưng Thứ trưởng S.Ryabkov thông tin, Nga không đạt được tiến bộ nào trong các mục tiêu chính của mình, điều mà Điện Kremlin đã đưa ra vào tháng 12-2021 trong hai bản dự thảo hiệp ước được đề xuất với Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu Washington và các đồng minh đưa ra cam kết ràng buộc với mục tiêu loại trừ khả năng NATO mở rộng sang Ukraine, Georgia hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong không gian hậu Xô Viết...
Thứ trưởng S.Ryabkov cho biết, hai bên cũng tiếp tục gặp vướng mắc về chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong khi Mỹ tìm cách tập trung vào các vấn đề kiểm soát vũ khí kỹ thuật, thì đây chỉ là vấn đề được đặt thứ hai trong mối quan tâm của Nga, sau việc hạn chế sự hiện diện của NATO ở Trung và Đông Âu. Phát biểu hôm 10-1, quan chức ngoại giao Nga nói rằng, cam kết từ NATO không mở rộng hơn nữa, hạn chế việc triển khai vũ khí ở các quốc gia giáp biên giới với Nga mới là "yêu cầu mà chúng tôi không thể lùi bước". Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ W.Sherman, các biện pháp “có đi có lại” về giới hạn đối với các cuộc tập trận quân sự, triển khai tên lửa đã được thảo luận, nhưng Mỹ loại trừ về mặt nguyên tắc và ý tưởng về việc bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO, đây là quyền quyết định của mỗi quốc gia.
Cuộc thảo luận thêm về các vấn đề được đưa ra hôm 10-1 sẽ còn tiếp tục tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày 12-1 giữa Nga và tất cả các thành viên NATO. Một cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng sẽ diễn ra tại một thành phố khác của châu Âu là Vienna (Áo) vào ngày 13-1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.