Theo Reuters, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga về kiểm soát vũ khí Sergei Ryabkov cho biết, Mátxcơva đã đạt được những tiến bộ trong răn đe hạt nhân, cho phép nước này đảm bảo an ninh trong nhiều thập kỷ tới ngay cả trong thời đại bị chi phối bởi những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI).
Khi được hỏi tại một hội nghị ở Mátxcơva liệu Nga có thể đảm bảo an ninh hạt nhân trong thời đại cạnh tranh AI hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết điều đó là có thể.
Ông Ryabkov là người phụ trách kiểm soát vũ khí của Nga, cũng giám sát mối quan hệ với Mỹ - mối quan hệ mà các nhà ngoại giao ở cả hai nước cho rằng đang ở mức thấp nhất do cuộc đối đầu về xung đột ở Ukraine.
Ông cảnh báo, nếu phương Tây đánh giá thấp quyết tâm của Mátxcơva, có thể dẫn đến hậu quả "bi thảm và chí mạng" vì Mỹ và các đồng minh đang đối đầu với Nga - một cường quốc hạt nhân.
Ông Ryabkov cho rằng, phương Tây đã đánh giá thấp "sự sẵn sàng của Nga trong việc đứng lên bảo vệ chính mình và đảm bảo lợi ích trong mọi tình huống", đồng thời nêu rõ, Nga có đủ nguồn lực để truyền tín hiệu tới phương Tây trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.
Trước đó, chuyên gia kiểm soát vũ khí Alexei Arbatov cho rằng, nếu không có đối thoại về ổn định chiến lược giữa Nga và Mỹ, thế giới đa cực có thể rơi vào hỗn loạn hạt nhân. Theo ông Arbatov, Mátxcơva và Washington nên nối lại đối thoại về ổn định chiến lược sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine kết thúc.
Chuyên gia Arbatov đề nghị Nga và Mỹ nên duy trì hiệp ước START mới, sẽ hết hạn vào năm 2026 và đồng ý một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.
Trong một diễn biến khác, ngày 25-6, Nga cho biết, nước này sẽ chặn quyền truy cập vào 81 cơ quan truyền thông của Liên minh châu Âu (EU), như một "biện pháp trả đũa" sau khi Brussels áp đặt lệnh cấm phát sóng đối với một số cơ quan truyền thông nhà nước Nga.
Hồi tháng 5, EU đã quyết định chặn quyền truy cập vào bốn phương tiện truyền thông do Điện Kremlin kiểm soát vì “thúc đẩy và hỗ trợ” cuộc tấn công Ukraine của Mátxcơva.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố: “Các biện pháp hạn chế đang được áp dụng đối với việc truy cập từ lãnh thổ Nga tài nguyên phát sóng của cơ quan truyền thông từ các quốc gia thành viên EU”.
Danh sách này bao gồm trang chủ afp.com của AFP và cổng thông tin khách hàng afpforum.com. Trang tin tức Le Monde của Pháp, Der Spiegel của Đức và El Mundo của Tây Ban Nha cũng có tên trong danh sách.
Nga tố cáo các biện pháp trừng phạt của EU là "có động cơ chính trị" và cho biết, các quyết định của khối này đang "buộc Mátxcơva phải thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng".
Mátxcơva tuyên bố sẽ "sửa đổi" các hạn chế nếu lệnh trừng phạt đối với truyền thông Nga được dỡ bỏ.
Nga đã chặn quyền truy cập vào phần lớn các phương tiện truyền thông phương Tây kể từ khi gửi quân đến Ukraine.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.