Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nếu một ngày vắng "tiếng chổi tre"...

Hồng Sơn| 11/11/2018 07:31

(HNM) - Mặc dù đã ngày càng được hiện đại hóa, nhưng công tác thu gom rác trên địa bàn thành phố vẫn không thể thiếu vắng các chị lao công ngày đêm cần mẫn, vượt qua nhiều khó khăn để đường phố, ngõ xóm mỗi ngày được sạch, đẹp hơn.

Những người làm sạch, đẹp phố phường. Ảnh: Thái Hiền


Tiếng gọi mỗi ngày

Không hẳn là đúng một giờ cố định, nhưng cứ đến cữ từ sau giờ hành chính mỗi ngày, bà con sống tại các ngõ trên địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) lại nghe tiếng kẻng lanh lảnh, biết ngay đó là “tiếng gọi hằng ngày” cùng sự xuất hiện của một chiếc xe ba bánh chuyên dụng, để mang rác ra mặt ngõ, chờ đổ lên xe. Cũng có khi chị công nhân vệ sinh tiện tay, nhoay nhoáy cầm túi rác của mọi người mà lần lượt đặt gọn vào thùng xe, cầm chổi quét, gom rác rơi vãi quanh đó. Đến lúc thùng xe đầy thì chị lại khéo léo móc túi rác vào những tay móc có sẵn dọc sườn xe để khắc phục cái sự thiếu chỗ chứa rác. Chợt nghĩ, quanh năm có ngần ấy buổi chiều và tối, bất kể ngày lễ, Tết, các chị đều thực hiện một công việc như nhau, hẳn là sẽ nhiều đơn điệu...

Nhưng ngẫm kỹ lại thấy, có những lúc nhọc nhằn hơn, như ngày lễ, Tết thì lượng rác tăng lên gấp bội, mà lại là rác “đa dạng và phong phú” gồm phế phẩm từ rau, thịt, cá sau chế biến, cuống hoa, các loại túi ni lông, đồ thải từ sinh hoạt gia đình..., tất tật đều trông cậy vào các chị. Những ngày ấy, một hay hai chuyến xe chắc chưa đủ nên ai nấy đều phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường và số chuyến xe cũng tăng lên theo tỷ lệ đó.

Dấu ấn một ca làm việc còn được đong đếm bằng diễn biến thời tiết, nếu trời xanh trong, mát mẻ thì làm việc suôn sẻ mà tinh thần cũng phấn khởi; hơn hẳn và bù cho chuỗi ngày mưa dầm phải khoác áo mưa, đi đôi ủng nặng nề, có đoạn ngõ phải lội nước lõm bõm dưới cơn mưa cấp tập. Lại có khi “vớ” phải đợt nắng gắt, tiết trời hanh khô khiến rác mới mà như cũ, bốc mùi hôi nồng nặc. Chắc vì thế mà chị em dọn rác ai nấy đều đeo khẩu trang kín, chỉ hở mỗi đôi mắt chân thật và biết nói...

Chị Nguyễn Thị Nhị, 36 tuổi, vào nghề hơn 6 năm nay, là một trong số gần 30 công nhân tổ thu gom rác tại phường Ngọc Thụy. Chị kể: "Giờ làm việc của chúng tôi hơi lạ vì thường bắt đầu từ 4h30 chiều và kết thúc quãng 12h đêm. Công việc khá vất vả, nhất là lại đòi hỏi sự kiên trì, tâm lý vững vàng để vượt lên sự tự ti, ái ngại của người làm công việc quá đỗi đời thường. Làm việc không có ngày nghỉ, ngoại trừ thỉnh thoảng mới có dịp được nghỉ bù, rồi nghỉ ốm (không may) thì mới được nghỉ dài hơn...".

Tự biết vậy, chấp nhận làm nghề, nhưng khi được hỏi tâm tư, chị cũng bày tỏ, đặc thù nghề là vất vả, chịu tác động của thời tiết, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Thu nhập lại thấp, khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, nên tâm lý người lao động chưa thật an tâm, đã có một số trường hợp bỏ việc. Thực tế, nếu một người nào đó tìm được công việc dễ chịu, hoặc thu nhập cao hơn thì chuyện bỏ việc hầu như khó tránh khỏi, bởi lẽ gánh nặng mưu sinh luôn đè nặng trên vai chị em. Hỏi thêm về điều gì có thể gây bức xúc, khó chịu mỗi ngày đi làm thì mấy chị đều bảo sợ mưa bất chợt, hoặc trên đường về gặp phải đối tượng xấu, kẻ nghiện đi theo đe dọa, gây chuyện, tìm cách giật đồ, túi xách cá nhân. Chị em lớn tuổi, có kinh nghiệm còn đỡ chứ một số em trẻ, mới vào nghề thường lúng túng không biết đối phó ra sao...

Vì môi trường sạch đẹp

Chuyện trò với những công nhân thu gom rác thấy thật dễ gần. Chị Nhị vừa rủ rỉ nói chuyện vừa nhìn chiếc xe ba bánh chẳng khác gì nhìn đối tác đồng hành thân thiết mà ao ước, giá như cái ắc quy tốt hơn nữa thì sẽ bớt đi những lần trục trặc, hỏng hóc giữa đường. Lúc ấy phải đẩy, dắt xe về điểm tập kết mà chờ thay thế, hoặc sửa lại để tiếp tục sử dụng. Thì ra, xe ba bánh ấy chạy bằng điện ắc quy nên cứ êm ru, nhẹ nhàng, bon bon trên nẻo đường gom rác mà chưa bao giờ làm ồn ngõ xóm; chưa bao giờ gây khó chịu cho bà con, nhất là người già, trẻ em...

Ông Chu Văn Uông, người từng làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 phường Ngọc Thụy nhiều năm xác nhận như một sự ôn lại câu chuyện dọn rác trên địa bàn. "Chẳng là cách đây 20 năm, nhân dân đã tự giác thống nhất lập tổ dọn rác để giải quyết vấn đề đầu ra cho các loại rác thải sinh hoạt. Tuyển được 3 phụ nữ là người dân trên địa bàn nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Điều này nhằm được hai mục đích là xử lý chuyện rác thải, nhưng cũng là tạo việc làm, thu nhập cho người làng. Ngày ấy chỉ có xe đẩy, dùng sức người, nên chị em vất vả hơn bây giờ. Còn ngày nay, đã có xe điện, giảm tải cho công nhân, nhưng sự vất vả mang tính đặc thù nghề nghiệp thì vẫn còn nguyên. Nhiều hôm nghe tiếng kẻng từ xa chúng tôi đã bật đèn ngoài cổng để các cô ấy lái xe cho dễ dàng; còn bà nhà tôi có lúc rót sẵn chén nước mời cô ấy cho đỡ khát lúc trời nóng nực..." - ông Uông chia sẻ.

Nhờ công sức của các chị thu gom rác mà các xóm ngõ khu vực phường Ngọc Thụy, quận Long Biên nói chung khá sạch sẽ, được khách xa gần nhận xét tích cực. Chị Đinh Thúy Lan - một người dân trên địa bàn chia sẻ: "Chưa bao giờ có chuyện ngắt quãng, thiếu vắng công nhân dọn rác mỗi ngày và điều này đã trở thành hình ảnh quen thuộc, tạo ra sự tin tưởng, đồng cảm giữa cư dân với chị em làm nhiệm vụ..".

Thực vậy, tâm lý chung là một khi chứng kiến người thu gom, dọn rác luôn có mặt và làm tốt nhiệm vụ của mình thì từng cá nhân, mỗi hộ gia đình trên địa bàn cũng tự giác hơn trong việc gom rác, để sẵn vào túi rồi đặt đúng vị trí trước thời điểm công nhân dọn rác đến. Làm vậy sẽ chủ động tránh được sự ô nhiễm cũng như không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông nội bộ. Đó là sự tương tác thú vị, xuất phát từ sinh hoạt đời thường. Lâu dần thành quen - một thói quen đáng quý để giữ được tiêu chí sạch, gọn ở khu dân cư; cũng là công nhận sức lao động của người dọn rác, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung.

Chợt nghĩ, nếu một chiều muộn nào đó bỗng thiếu vắng tiếng kẻng vang dọc các con ngõ để gọi các gia đình đổ rác..., thiếu vắng bóng dáng những con người gắn liền với "tiếng chổi tre" thì sao nhỉ? Chẳng biết chị ấy ốm, hay nghỉ việc đột xuất mà lại chưa có người thay?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nếu một ngày vắng "tiếng chổi tre"...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.