(HNM) - Tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra cách đây không lâu, vẫn còn có ý kiến phàn nàn: phim do các hãng tư nhân sản xuất chủ yếu là phim thương mại và dòng phim này đang độc chiếm thị trường điện ảnh trong nước. Họ mong muốn điện ảnh Việt Nam trở lại với dòng phim nghệ thuật...
Cảnh trong phim Lọ lem hè phố. |
Ngày 4-6-2002, Chính phủ ban hành nghị định cho phép các công ty tư nhân được kinh doanh điện ảnh gồm: phân phối, sản xuất và mở rạp chiếu phim. Với nghị định này, Chính phủ đã công nhận điện ảnh là một ngành kinh tế như ở Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... nghĩa là điện ảnh dần trở thành một ngành công nghiệp và như thế tính hàng hóa sẽ chiếm vị trí quan trọng. Còn các phim mang tính tuyên truyền cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phim lịch sử và ca ngợi đất nước như thời kỳ chiến tranh và thời kỳ bao cấp sẽ được Nhà nước đặt hàng. Mọi chuyện như thế là khá rõ ràng.
Ở Việt Nam, phim thương mại được sản xuất khá nhiều vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do quan niệm không đúng về dòng phim này nên người ta đã gọi các phim này là "mỳ ăn liền". Không ít các nhà phê bình đã phê phán, thậm chí vùi dập bằng thứ ngôn ngữ nghiệt ngã. Họ không chấp nhận đó là điện ảnh trong suốt một thời gian dài. Ngỡ tưởng sự ấu trĩ về nhận thức sẽ qua đi nhưng đến năm 2004, phim "Gái nhảy", "Lọ lem hè phố" (đạo diễn Lê Hoàng) vẫn còn bị chê trách là làm loại phim rẻ tiền và thương mại. Thậm chí có đạo diễn cực đoan tới mức không lên nhận giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam cùng với Lê Hoàng khi "Gái nhảy" cũng được trao giải thưởng. Trong khi đó một số đạo diễn làm phim bằng tiền của Nhà nước luôn cho rằng phim của họ mới là phim nghệ thuật và họ làm phim vì nền điện ảnh Việt Nam. Thế nhưng có phim Nhà nước đầu tư hơn 10 tỷ đồng, làm xong cũng chỉ chiếu dăm buổi là cất vào kho.
Trên thế giới, điện ảnh thương mại chiếm tới 90% trong tổng số phim được sản xuất ra. 10% còn lại bao gồm phim lịch sử, phim tác giả và phim chính luận. Như vậy phim nghệ thuật (là phim tác giả) chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi trong số lượng phim sản xuất ra hàng năm trên thế giới. Nếu xác định là một nhánh của ngành công nghiệp giải trí thì điện ảnh phải tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch của các ngành kinh tế khác "Khách hàng là thượng đế".
Một vài bộ phim trong nước thời gian qua có doanh thu cao không phải do phim hấp dẫn. Phim thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ ở những chiêu tiếp thị tinh vi. Cũng tại Ðại hội Hội Điện ảnh, một vài ý kiến cho rằng chất lượng phim được đo bằng doanh thu, nói cách khác doanh thu là thước đo chất lượng phim. Đó là quan niệm ngây ngô và sai lầm. Phim hay không hẳn đã có doanh thu cao và có doanh thu cao không hẳn đã là một phim hay.
Xin đừng lo phim thương mại hay nghệ thuật, nếu phim thương mại được làm một cách nghệ thuật thì đó là thành công. Tuy nhiên để làm được một cách nghệ thuật cũng không dễ tí nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.