Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội

Vũ Minh| 28/02/2023 14:23

(HNMO) - Gần 547.000 người lao động bị ảnh hưởng về việc làm trong những tháng gần đây là con số đáng suy ngẫm không chỉ ở góc độ lao động, việc làm, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội cần giải quyết, trong đó có bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trước những khó khăn, thách thức hiện hữu, ngành BHXH triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ chậm đóng BHXH. 

Tập huấn về công tác thanh tra cho cán bộ ngành BHXH.

Theo báo cáo của liên đoàn lao động nhiều tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023, các cơ quan chức năng ghi nhận khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của gần 547.000 người lao động.

Trong đó, 491.000 người bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; 7.000 người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chiếm 1,28% tổng số người bị ảnh hưởng và 48.623 người chấm dứt hợp đồng lao động, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ. Nhóm lao động này chủ yếu là lao động phổ thông, nên khi bị ảnh hưởng về việc làm trong thời gian dài, nhiều người khó chuyển đổi việc làm, dẫn đến phải tạm dừng tham gia BHXH hoặc phải đề nghị hưởng BHXH một lần, lấy khoản tiền trang trải cho những khó khăn trước mắt.

Về phía sử dụng lao động, vì khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp có nguy cơ chậm đóng BHXH cho người lao động.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ngành BHXH triển khai nhiều giải pháp để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững số người tham gia các chính sách trong năm 2023; đồng thời giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ chậm đóng BHXH.

Với nhiệm vụ phát triển số người tham gia, BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng theo sát diễn biến của thị trường lao động, phân tích, dự báo các đối tượng tiềm năng để tập trung khai thác; đồng thời, phối hợp tạo “giá đỡ” an sinh cho người lao động, hạn chế thấp nhất số người rời khỏi hệ thống BHXH.

Ở cấp cơ sở, ngành BHXH cần chú trọng củng cố mạng lưới tổ chức dịch vụ thu, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan BHXH, phân công, phân nhiệm vụ cho lực lượng cán bộ, nhân viên theo phương châm 4 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Về nhiệm vụ giảm nợ, các bên liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về BHXH, kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng và giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH kịp thời, coi đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hằng quý và cả năm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, BHXH Việt Nam tập trung tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra năm 2023 cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách thanh tra, kiểm tra của BHXH các tỉnh, thành phố. Với nhiều giải pháp được triển khai, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH xuống còn dưới 2,9% so với tổng số tiền cần thu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.