(HNM) - Chiều 2-12, trước ngày giỗ anh trai, anh Lâm (nhà ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cùng chị gái mang chút đồ lễ xuống Nghĩa trang Văn Điển thắp nén nhang. Vì ô mộ chí để hài cốt thân nhân ở trên tầng 4, nên hai chị em phải ra kéo cái xe thang để trèo lên bày lễ.
Đang lúng túng, không biết xử trí thế nào, một người đàn ông ở gia đình kia lên tiếng:
- Tôi hỏi khí không phải, mộ chí của thân nhân các bác cũng ở đây phải không, là ô nào đấy ạ?
Thấy anh Lâm chỉ tấm bia của ông anh phía trên, người đàn ông quay ra hội ý nhỏ với người nhà vài phút, rồi quay lại:
- Vậy anh nhà bên các bác là láng giềng với thân nhân nhà tôi rồi, xin mời các bác cứ lễ trước. Mộ chí người nhà chúng tôi phía dưới, đứng đất lễ, không phải trèo thang, nhang khói sau cũng được...
Được lời, chị em anh Lâm xúc động, cảm ơn và xin được hành lễ trước, trong khi các thành viên gia đình kia ngồi nghỉ trên mấy ghế đá bên cạnh. Vốn cũng đang vội về đi làm và còn để "nhà dưới" vào lễ, hai chị em cũng thắp nhang chóng vánh rồi từ biệt, không quên cảm ơn các thân nhân "láng giềng" lần nữa.
Kể lại chuyện nhỏ trên với Người Xây Dựng, anh Lâm bày tỏ: Cử chỉ tuy giản dị và ý tứ, nhưng chứng tỏ gia đình ấy thật lịch thiệp, khiêm nhường và đức độ. Nhìn qua tấm bia mộ, chúng tôi biết đó là người quê Hà Nội gốc và thân nhân của người quá cố quả là vẫn giữ được truyền thống thanh lịch Tràng An, đáng được phát huy và học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.