(HNMO)– Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 19 về Đông Á diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 5 đến ngày 7/6/2010, Nestlé (tập đoàn về dinh dưỡng, thực phẩm hàng đầu thế giới) cho biết cam kết ủng hộ việc canh tác nông nghiệp bền vững để bảo đảm phát triển nông thôn và an ninh lương thực ở Việt Nam.
Ông Frits van Dijk, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Phi và Trung Đông cùng với ông Rashid Aleem Qureshi, Tổng Giám đốc Nestlé Vietnam, đã nhấn mạnh rằng khu vực Đông Nam Á đã đạt được những thành công ấn tượng trong lĩnh vực nông nghiệp trong khi phải liên tục đối mặt với những thách thức về nhu cầu lương thực tăng cao đồng thời quỹ đất và nguồn nước bị suy giảm.
Ông Frits van Dijk nói: “Tương lai của tất cả các doanh nghiệp không thể tách rời phương thức mà chúng ta quản lý các nguồn lực nông nghiệp. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân ở cả tầm mức khu vực và toàn cầu. Nguyên tắc nền tảng của Nestle, mà chúng tôi gọi là Chia sẻ Giá trị Chung, đã chỉ ra rằng để tạo ra các giá trị dài hạn cho các cổ đông của chúng tôi thì chúng tôi phải đồng thời tạo ra những giá trị cho xã hội nói chung. Xã hội ở đây bao gồm các nông dân cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi, những người lao động làm việc cho chúng tôi, các khách hàng của chúng tôi và trên hết là cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động kinh doanh”.
Ông nói thêm: “Ví dụ, tại Việt Nam, hàng trăm nông dân đã nhận được những huấn luyện cụ thể trong việc bón phân cho cà phê, kỹ thuật tưới nước và thu hoạch để trợ giúp họ nâng cao năng suất, cải thiện tiếp cận của chúng tôi với nguồn nguyên liệu chất lượng cao và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng áp dụng những chương trình tương tự tại Thailand, Philippine và Trung Quốc trong đó Nestlé đã thành lập những trung tâm huấn luyện, những trang trại mẫu và những điểm thu mua cà phê.”
Hàng năm Nestlé chi khoảng 20 tỷ franc Thụy Sĩ để thu mua các loại nông sản như sữa, cà phê và ca cao. Có thể thấy dù Nestlé không sở hữu đất nông nghiệp hoặc quản lý những nông trại cung cấp nông sản nhưng công ty vẫn tìm kiếm các cơ hội để nâng cao mức sống của nông dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn nước. Một ví dụ nữa là Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Nestlé được khai trương năm trước tại Abidjan, Bờ Biển Ngà, đã tập trung vào việc nâng cao năng suất và sản lượng của những loại nguyên liệu nông sản địa phương. Nestlé hiện cũng cung cấp những trợ giúp kỹ thuật miễn phí và khoảng 50 triệu USD cho chương trình tín dụng siêu nhỏ cho khoảng 550.000 nông dân tại các nước đang phát triển.
Ông Rashid Aleem Qureshi nói: “Nestlé Vietnam đã xây dựng một chương trình hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và chúng tôi đã trở thành nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam với 25% tổng sản lượng hàng năm, để sử dụng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Chúng tôi cũng cùng phối hợp với các nhà khoa học và chính quyền địa phương tại các tỉnh Daklak, Lâm Đồng và Đồng Nai để xây dựng các trang trại mẫu, cung cấp những giống mới có năng suất cao và gửi một số nhà khoa học Việt Nam đi đào tạo tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Tours (Pháp). Chúng tôi có thể tự hào để nói rằng ý nghĩa chất lượng cà phê của chúng tôi đã vượt qua khuôn khổ chất lượng tuyệt hảo của cà phê trong tách”.
Ông Frits van Dijk cho biết thêm: “Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và là nước cung cấp cà phê quan trọng cho các nhà máy của Nestlé trên khắp thế giới với mức thu mua trên 200.000 tấn/năm. Chúng tôi sẽ cải thiện thêm hoạt động thu mua trực tiếp và cung cấp trợ giúp cho nông dân Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.