Theo dõi Báo Hànộimới trên

Neo yêu thương trên từng trang viết

Vân Hạ| 10/04/2021 17:18

(HNMCT) - Trong lời đề từ của tập truyện ngắn "Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng", Trần Huyền Trang viết: “Trong suốt cuộc đời này, tôi đồ rằng những ai được lớn lên trong vòng tay những người phụ nữ, là mẹ - hoặc được bên cạnh những người phụ nữ - là chị, là em gái, là cô dì, là bà, là bạn gái và sau này là người cùng bạn nói lời yêu tiếng thương thề hẹn suốt trăm năm - đã là những người vô cùng hạnh phúc. Khuyết một người phụ nữ trong đời - là một vết lõm mà cho dù có đổi cả thế gian cũng không bao giờ đắp đầy được. Hoặc chỉ vá víu tạm bợ, rồi theo thời gian vết khâu vá ấy cũng bục dần ra, sâu thêm, vô cùng”.

Cả tập truyện ngắn "Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng" là 24 gương mặt phụ nữ mà câu chuyện số phận của mỗi người khiến độc giả xót xa. Phụ nữ luôn có quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng đa số phụ nữ mà Trần Huyền Trang viết ra đều là mưu cầu hạnh phúc cho những người mình yêu thương. Một sự mưu cầu tha thiết, kiên trì, bền bỉ và chan chứa tình yêu, y như chim mái cần mẫn mớm mồi cho từng đứa con há mỏ chờ ăn, miệt mài bay tìm những cọng rơm về bện tổ xây nhà. Nhưng dẫu bền bỉ, kiên trì, thậm chí có khi đến cố chấp thì không phải yêu thương nào cũng mang đến một cái kết có hậu. "Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng" của Trần Huyền Trang đầy nội tâm day dứt. Cơn bão nào rồi cũng sẽ tan, chỉ có bão lòng là sẽ hóa đá ngay trong tim mình.

Đọc tập truyện, độc giả như có cảm giác tác giả hẳn phải là người từng trải và đầy trắc ẩn. "Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng" dường như là mốc dấu về sự “trưởng thành” của Trần Huyền Trang, không phải sự trưởng thành của “tay nghề” viết, mà là ở việc lựa chọn đối tượng độc giả. Nếu trước đó các tập truyện của Trần Huyền Trang dành cho độc giả thiếu nhi, tuổi mới lớn thì ở "Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng", có thể nhận ra rất nhiều số phận phụ nữ, người ở quê kẻ ở phố, người còn đang độ tuổi yêu đương nồng thắm, kẻ đã đi gần hết cuộc đời. Song, dù viết cho độc giả tuổi nào, với Trần Huyền Trang, văn chương là niềm đam mê, mà ở đó chị bị “chữ ám” để luôn trăn trở “làm sao để mài chữ hằng ngày”.

Trần Huyền Trang từng tâm sự, cuộc chơi văn chương nhiều “thú đau thương”, cô đơn cùng cực: “Bởi khi đối diện với những con chữ, những số phận đang tượng hình dưới ngòi bút, không ít khi người viết cảm thấy cô độc đến tận cùng. Nhưng tôi vẫn vui và không bao giờ muốn chia tay với nỗi cô độc đó. Bởi chỉ có như vậy, những con chữ mới được bay bổng, tự do, thoát khỏi những ràng buộc chật hẹp để phiêu với đời người”.

Bay bổng và “phiêu với đời” là cách mà Trang đã thực hiện trong nhiều tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi như “Mắt biển”, “Đi hứng mặt trời”, “Vũ điệu đồng xu”, các tập truyện cho tuổi mới lớn như “Muốn khóc dịu dàng”, “Mùa lá đổ”... Với chị, “chữ nghĩa như một người tình đỏng đảnh, khó yêu, khó chiều nhưng cũng đầy mê dụ”. Thế nên, chị tự nhủ với lòng mình, thôi thì “cứ yêu đi, còn thở được là còn yêu, còn yêu được là còn viết được”.

Và Trần Huyền Trang đã mê mải yêu và viết suốt từ năm 18 tuổi đến giờ. Chị có nhiều tác phẩm in chung với tác giả khác như “Giày đỏ & cú gọi nhầm lẫn”, “Nỗi buồn rực rỡ”, “Cái ôm ấm nhất thế giới”, “Cô giáo xì-tin”... Ngoài văn chương, chị còn viết một số bộ sách kỹ năng. Đó là “Tớ - chuyên gia xoay xở”, bộ truyện tranh “Chuyện của Xu Bông” cho thiếu nhi, là “Tôi và thần tượng”, “Thần may mắn của tôi”, “Tôi có thể”, “Và tôi đã chọn” cho tuổi mới lớn.

Trần Huyền Trang sinh năm 1983, tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị tham gia nhóm Vòm me xanh của báo Mực Tím, là thành viên Câu lạc bộ Văn học Tuổi xanh của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Neo yêu thương trên từng trang viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.