(HNM) - Chị Trần Thanh Thúy (quận Đống Đa) hỏi: Mấy tháng nay số trẻ mắc bệnh thủy đậu phải vào bệnh viện tăng đột biến. Vậy nên làm gì để phòng bệnh này?
Bệnh thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ hay phỏng rạ do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra; là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa số bệnh nhân là trẻ em. Thủy đậu lây lan trong cộng đồng rất dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc nếu bóng nước vỡ ra. Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ học tập, quần áo, đồ chơi của bạn… có chứa virút gây bệnh.
Đặc trưng của bệnh thủy đậu là ngứa, phát ban ngoài da, ban sẩn có mụn nước, thường kèm theo sốt. Dấu hiệu ban đầu khi khởi bệnh là sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau cơ. Sau đó các nốt rạ xuất hiện ở da đầu, mặt, lan xuống thân và tay chân gây ngứa ngáy, đau nhức rất khó chịu. Biến chứng phổ biến nhất của bệnh là nhiễm trùng các nốt ban dẫn đến nhiễm trùng da có thể để lại sẹo. Ngoài ra, có thể có những biến chứng nặng như viêm não, viêm phổi thậm chí có thể tử vong. Riêng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu chẳng may bị thủy đậu, trẻ sinh ra dễ bị dị dạng.
Để phòng bệnh, nên tiêm vắcxin thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ em và người lớn nên tiêm ngừa 2 liều vắcxin thủy đậu, liều thứ 2 cách liều đầu tốt nhất sau 6 tuần. Tiêm ngừa nên thực hiện trước khi mùa bệnh chứ không nên khi mắc bệnh rồi mới đi tiêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.