Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng vững bước vào năm học mới

Thống Nhất| 11/08/2010 07:07

(HNM) - Năm học 2009-2010 có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành GD-ĐT Hà Nội. Đây là năm học bản lề, khép lại một giai đoạn có ý nghĩa lịch sử khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đồng thời hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngành GD-ĐT Thủ đô trở thành một trong 10 đơn vị của toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và dẫn đầu cụm thi đua gồm các thành phố lớn trong năm học vừa qua.

Một giờ học ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Linh Tâm


Đội ngũ giáo viên không còn "xôi đỗ" 

Trước những đòi hỏi về sự phát triển của GD-ĐT, việc xây dựng, củng cố đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng được ngành GD-ĐT Hà Nội đặc biệt coi trọng. Đây là biện pháp đột phá nhằm thực hiện chủ đề năm học 2009-2010 "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", khắc phục tình trạng "xôi đỗ" trong các bậc học sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Việc tuyển dụng viên chức ngạch giáo viên được phân cấp triệt để cho các đơn vị với tinh thần tuyển được đúng người phù hợp với công việc. Việc tuyển bổ sung gần 3.400 giáo viên, 4.000 nhân viên vào các nhà trường trong năm học 2009-2010 đã góp phần giúp ngành GD-ĐT Hà Nội hạn chế tình trạng nơi thiếu, nơi thừa về số lượng hoặc "đứng nhầm" bục giảng về trình độ.

Song song với việc nghiêm túc đánh giá, xếp loại GV theo quy chế, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức thường xuyên, thu hút 34.500 lượt GV, cán bộ quản lý tham gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngày càng được quan tâm, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động này đã tăng từ 11,5 tỷ đồng (năm 2009) lên 13,4 tỷ đồng trong năm 2010. Những nỗ lực ấy góp phần không nhỏ hoàn thiện chất lượng đội ngũ của toàn ngành, với 100% giáo viên đứng lớp có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ GV có trình độ trên chuẩn ngày càng cao, tiêu biểu như ở tiểu học là 81,4%, THCS  56%, mầm non 35,4%... Mặt bằng chung được nâng lên, khoảng cách GD-ĐT giữa thành thị, nông thôn, giữa khu vực trung tâm và các địa bàn vùng sâu, vùng xa được thu hẹp cả về trình độ người thầy lẫn chất lượng giáo dục.

Trường lớp từng bước chuẩn hóa
Năm học 2009-2010, bộ mặt các nhà trường (đặc biệt là khu vực thuộc tỉnh Hà Tây cũ) đã thay đổi đáng kể nhờ 5.523 phòng học được xây mới thay thế phòng học tạm, phòng học cấp 4 đã xuống cấp. Việc kiểm tra, rà soát hệ thống chiếu sáng học đường, các công trình cấp nước sạch, vệ sinh tại các trường học cũng được Sở GD-ĐT đồng loạt triển khai để lập dự án và phân bổ nguồn kinh phí. 150 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, vệ sinh cho 1.018 trường tiểu học, THCS (chưa tính các trường mầm non).

Ngoài việc đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở vật chất trường lớp trên toàn địa bàn, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, từng quận, huyện cũng đã chú trọng chỉ đạo các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Trong năm học qua đã có thêm 72 trường được công nhận chuẩn quốc gia, đưa con số này của toàn thành phố lên 521 trường (chiếm tỷ lệ 22,8%)...

Với những biện pháp đã triển khai mà điển hình là việc củng cố đội ngũ GV và  từng bước chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, năm học 2009-2010 ngành GD-ĐT Thủ đô đã có những chuyển biến rõ nét với 13/14 chỉ tiêu thi đua được Bộ GD-ĐT đánh giá xuất sắc. Đó cũng là nền tảng để những người làm công tác giáo dục của Hà Nội tự tin bước vào năm học 2010-2011 đúng dịp thành phố đón ngày lễ trọng và khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của GD-ĐT nói riêng và của Thủ đô nói chung.

- Ngành GD-ĐT Hà Nội có 2.455 trường và cơ sở giáo dục (tăng hơn 60 trường so với năm học trước), gần 1,4 triệu HS và gần 98 nghìn cán bộ quản lý, GV, nhân viên.
- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm từ 1,5%- 2% so với đầu năm học.
- 70,3% HS trong tổng số hơn 442 nghìn HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.
- 118/138 HS THPT dự thi đạt giải quốc gia (đoạt 12 giải nhất, 35 giải nhì, 51 giải ba, 20 giải khuyến khích), là đơn vị có số giải nhất đứng đầu cả nước. 9 HS đạt giải quốc tế.
- Tỷ lệ HS THPT tốt nghiệp đạt 94,98%, cao hơn năm học trước gần 9%.
- Kết thúc năm học 2009-2010, Hà Nội có 3 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ: THPT Hà Nội - Amsterdam, THCS Ngô Sỹ Liên, Mầm non Việt - Bun; 17 đơn vị được tặng cờ thi đua xuất sắc, 32 đơn vị được tặng bằng khen của UBND TP Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng vững bước vào năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.