(HNM) - Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), việc vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn TTATGT là vô cùng cần thiết. Bởi lĩnh vực giao thông liên quan đến mỗi người trong xã hội, có sự tác động mạnh mẽ và hằng ngày đối với đời sống dân sinh.
Các hoạt động tuyên truyền phong phú sẽ góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Ảnh: Linh Tâm |
Hiện nay, trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ có hơn 700 mô hình, tổ chức quần chúng, trong đó có nhiều mô hình quần chúng giữ gìn, bảo đảm TTATGT. Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, cơ quan đã tham mưu cho cấp trên và chủ động thực hiện nhiều phần việc, công tác phục vụ tuyên truyền, nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT. Đáng kể nhất là việc Cục phối hợp với các cơ quan truyền thông mở các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Với môi trường các trường học, CSGT cũng đã có các hoạt động thâm nhập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó đáng chú ý là hình thức hội thi "Sinh viên với ATGT", thu hút hàng chục nghìn sinh viên của 46 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Trong tuyên truyền về TTATGT, cơ quan công an có nhiều hình thức, cách làm thú vị như các cuộc thi "Nông dân với ATGT", "Thanh, thiếu niên với ATGT"...
Nhưng vì sao kết quả cuối cùng vẫn chưa được như mong muốn? Dù những con số cả 3 tiêu chí về TNGT đã giảm nhưng hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn cả nước xảy ra khoảng 30 vụ TNGT nghiêm trọng, làm gần 30 người tử vong. Sáu tháng đầu năm 2012, cả nước có gần 5.000 người chết vì TNGT. Nguyên nhân tai nạn do ý thức người tham gia giao thông là phổ biến... Bởi bên cạnh nỗ lực của lực lượng CSGT, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Theo đó, dù rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, song hiện nay lực lượng CSGT - CA các địa phương chưa có biên chế CBCS chuyên trách công tác này. CBCS được huy động làm công tác tuyên truyền hầu hết chưa qua đào tạo, chủ yếu kiêm nhiệm, "vừa làm vừa học". Chất lượng cán bộ tuyên truyền thấp không khỏi ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền khi mà nội dung tuyên truyền nhiều khi không hấp dẫn, không sát với điều kiện thực tế.
Cái khó khác trong công tác tuyên truyền còn xuất phát từ chính sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan liên quan. Một số ngành có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT và chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT trong cộng đồng dân cư, không thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân...
Một yếu tố khác tác động đến nhận thức, ý thức người tham gia giao thông là công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Qua phản ánh của chính người dân, khâu phát hiện, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập cũng chính là nguyên nhân gây phản tác dụng trong tuyên truyền về TTATGT. Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng thừa nhận, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT chưa được triệt để, do lực lượng mỏng, không quán xuyến hết tuyến, địa bàn. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng chưa được xử lý nghiêm, chưa kể những tiêu cực chưa loại bỏ hết... Những tồn tại đó cũng hạn chế đến việc răn đe, giáo dục...
Để cải thiện tình hình TTATGT, cơ quan CA xác định, công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về TTATGT phải được coi trọng hàng đầu. Đi đôi với công tác đó là việc phát huy, nhân rộng mô hình tự quản bảo đảm TTATGT, các phong trào tình nguyện bảo đảm TTATGT... Đó là bước đột phá cần thiết để cải thiện tình hình TTATGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.