Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng số đưa nghệ thuật thăng hoa

Yên Nga| 02/02/2022 07:38

(HNM) - Nghệ thuật biểu diễn vốn là hình thức chinh phục khán giả bằng cách thể hiện trực diện. Song thời gian qua, dịch Covid-19 xâm nhập, khiến các sân khấu phải tạm dừng phục vụ khán giả trực tiếp. Nhiệt huyết sáng tạo, tinh thần cống hiến và nỗi da diết gặp gỡ khán giả đã thôi thúc các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ thăng hoa ở một không gian mới - nền tảng số. Và như thế, nghệ thuật vẫn nối tiếp dòng chảy đến công chúng, đem lại những giây phút thư giãn, xoa dịu âu lo, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người…

Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng và ghi hình tiết mục "Quê em chống dịch" đăng tải trực tuyến phục vụ khán giả.

Những biến tấu giàu cảm xúc

Là đơn vị nhiều năm giữ kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”, thế nhưng vì dịch bệnh, hai năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long không thể đón những đoàn khách nườm nượp tới thưởng thức tinh hoa nghệ thuật nước nhà như trước. Vượt qua sự hụt hẫng ban đầu, nhà hát đã nhanh chóng bắt nhịp thời đại, chuyển hướng sáng tạo phục vụ khán giả trên nền tảng số. Ban đầu, nhà hát tổ chức thực hiện những tác phẩm ngắn như: “Lớp học đặc biệt mùa Covid”, “Việt Nam quyết thắng corona”, “Quê em chống dịch”,… đăng tải trên kênh YouTube Nhà hát Múa rối Thăng Long. Những hình ảnh vui nhộn, tạo hình hấp dẫn kết hợp các loại hình múa rối nước, múa rối que, múa rối mặt nạ vui nhộn đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả thưởng thức.

Đặc biệt hơn, để không bị ngắt quãng, Nhà hát Múa rối Thăng Long kết nối với các đơn vị quốc tế tổ chức biểu diễn múa rối nước truyền thống phục vụ khán giả tại nước ngoài qua các nền tảng Zoom, YouTube… Theo Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, việc biểu diễn trực tuyến cũng đi theo hai hướng. Với khán giả Việt Nam, ngoài đem lại không khí vui nhộn, thì tiết mục phải hấp dẫn, thời sự và truyền thông điệp gắn với đời sống. Còn với khán giả quốc tế, điều cần nhất là giới thiệu được tinh hoa nghệ thuật múa rối nước của dân tộc. Thế là, trong thời gian qua, các nghệ sĩ vẫn không ngừng rèn nghề, sáng tạo, còn khán giả ở bất cứ đâu cũng có thể được thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Hoành tráng, ấn tượng và giàu ý nghĩa, tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” do Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn, với sự góp mặt của hơn 20 biên đạo cùng gần 150 nghệ sĩ múa cả nước công diễn trên nền tảng YouTube, Facebook cuối tháng 10-2021 đã tạo nên “liều vắc xin tinh thần bằng nghệ thuật, giúp công chúng giãn cách mà không xa cách”. Với thời lượng hơn 40 phút, bằng ngôn ngữ chủ đạo là ballet và múa đương đại, với nhiều bối cảnh khác nhau, tổ khúc múa đã thể hiện xúc động hình ảnh các lực lượng căng mình chiến đấu với dịch bệnh, tấm lòng sẻ chia, yêu thương, đùm bọc của người dân và tinh thần đoàn kết, tuân thủ quy định phòng, chống dịch, hướng đến ngày mai tươi sáng của nhân dân Việt Nam.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam có chuỗi chương trình “Tiếng hát át Covid” thực hiện trên trang Facebook của hội thời gian qua, gợi nhớ về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong kháng chiến trước đây. Với sự tham gia của những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, “Tiếng hát át Covid” đã đưa hàng trăm ca khúc, tiết mục nghệ thuật mới của các nhạc sĩ trên cả nước về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 lan tỏa trong đời sống, sẻ chia với những khó khăn, vất vả của nhân dân, động viên các lực lượng chống dịch...

Quy mô, chuyên nghiệp và đa dạng hàng đầu phải kể đến chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng cả nước thực hiện nhiều tháng qua. Trên kênh YouTube, Facebook của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nghệ sĩ nổi tiếng, những đêm nghệ thuật khiến khán giả mọi lứa tuổi vô cùng hào hứng vì được thưởng thức hàng trăm màn trình diễn, từ nghệ thuật chèo, cải lương, tuồng, múa rối đến hát, múa, nhảy, xiếc… hấp dẫn. Sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ được yêu mến, như: Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Trương Ngọc Ánh, gia đình nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang… cùng biểu diễn, khiến mỗi chương trình thu hút hàng chục nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt tương tác sôi nổi…

Các nghệ sĩ tham gia chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. Ảnh: Minh Khánh

Nối tình yêu nghệ thuật

“Thánh đường” của nghệ thuật biểu diễn là những sân khấu với tấm rèm nhung mà chỉ cần kéo ra là bắt gặp những ánh mắt hồi hộp, háo hức thưởng thức của khán giả. Vậy nên, biểu diễn trước máy quay hay đôi lúc chỉ là một chiếc điện thoại, sân khấu đơn sơ, phía trước không phải là người xem trực tiếp mà là màn hình phẳng, hẳn cũng khiến không ít người làm nghệ thuật băn khoăn. Hơn nữa, khi diễn tại nhà hoặc không gian nhỏ, điều kiện kỹ thuật và các phương tiện hỗ trợ biểu diễn không phải lúc nào cũng đủ đầy, chắc chắn hiệu ứng tác phẩm truyền tải đến khán giả khó trọn vẹn.

Song vượt lên trên tất cả, tình yêu nghề, mong muốn được sáng tạo, cống hiến và gặp gỡ khán giả đã thôi thúc các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật khắc phục khó khăn, đưa nghệ thuật đến công chúng với phương thức mới. “Biểu diễn nghệ thuật là lao động đặc thù. Nếu không được thường xuyên luyện tập, không có sự tương tác, động viên từ khán giả, nghệ sĩ sẽ khó giữ được phong độ”, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tâm sự.

Ở phía khán giả, chị Phạm Quỳnh Trang (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Khi nhiều người phải ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19 nên nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật rất lớn. Những chương trình nghệ thuật trực tuyến kịp thời, hấp dẫn không chỉ khỏa lấp thời gian trống trải, mà còn giúp người xem thư giãn, động viên tinh thần mọi người lạc quan, mạnh mẽ, kiên cường chiến đấu với dịch bệnh”. Còn khán giả “nhí” Nguyễn Gia Thùy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) hào hứng: “Không cần đến rạp con cũng được xem xiếc, múa rối rất hay. Có lúc con còn được trò chuyện trực tuyến với các thần tượng, như bác Trần Đăng Khoa, chú Xuân Bắc nữa”.

Song, để đem đến những chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật trực tuyến giàu cảm xúc, ấn tượng và gần gũi như thế là biết bao hy sinh âm thầm của các nghệ sĩ, sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Biểu diễn phục vụ khán giả phương Tây, nên ban ngày ở họ thường là 1h-2h sáng bên mình. Các nghệ sĩ nhà hát thường xuyên phải ngâm mình dưới nước cả đêm để giới thiệu trọn vẹn những trò rối nước đặc sắc của dân tộc tới bạn bè quốc tế”.

Còn Tổng đạo diễn tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” Nguyễn Tuyết Minh cho hay, để thực hiện tác phẩm, các nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc không chỉ lăn lộn trên sàn tập, mà còn kết nối trực tuyến thường xuyên để trao đổi, sửa từng động tác cho ăn khớp giữa các cảnh diễn. Có nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình từng là F0, F1 hay có diễn viên mới sinh con, nhưng vẫn tha thiết tham gia và họ đã góp phần sáng tạo những phân đoạn đầy sức lay động.

Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh tham gia chương trình nghệ thuật trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” từ thành phố Hồ Chí Minh khi đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội kể, do ở nhà nên phải tập luyện, biểu diễn thử rất nhiều trước khi lên hình, từ việc điều chỉnh âm lượng hát, nhạc đệm đến sắp đặt sân khấu, chọn trang phục, trang điểm hay lựa chọn góc quay, đặt máy quay… sao cho hài hòa, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Ca sĩ Quang Hà khi thực hiện chương trình trực tuyến “Tránh Covid-19” trên trang Facebook của mình đã “cải tạo” phòng thu tại nhà thành sân khấu chuyên nghiệp, hiện đại để đem đến khán giả trải nghiệm biểu diễn chân thật, hấp dẫn…

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng thông qua nền tảng số, tình yêu nghệ thuật vẫn được kết nối giữa nghệ sĩ với khán giả. Và khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn biểu diễn nghệ thuật trực tuyến tiếp tục được các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ duy trì song song với sân khấu trực tiếp để đưa nghệ thuật đến với công chúng. Dòng chảy sáng tạo nghệ thuật càng phong phú, mạnh mẽ và thăng hoa hơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng số đưa nghệ thuật thăng hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.