(HNM)- Biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn tài nguyên nước ngọt, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra... gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống công trình thủy lợi và an toàn hồ đập. Hàng loạt gánh nặng này tiếp tục được đặt lên vai ngành thủy lợi trong giai đoạn sắp tới.
Công trình thủy lợi Đầm Hà Động (Quảng Ninh).
Hệ thống thủy lợi cả nước cơ bản phục vụ nước tưới cho 6,92 triệu hécta đất trồng lúa, 1,5 triệu hécta rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho 1,72 triệu hécta đất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi còn góp phần ngăn mặn cho 0,87 triệu hécta đất nông nghiệp, cải tạo chua phèn 1,6 triệu hécta, duy trì 5,65 tỷ mét khối nước cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, những con số trên chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay khi hạn hán vào mùa khô, úng ngập vào mùa mưa, triều cường lên xuống thất thường xâm nhập sâu vào đất liền xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, ngành thủy lợi nhìn vào đâu cũng đang có vấn đề. Tại lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình trong hai thập niên qua đã có những thay đổi rất lớn. Các hồ thủy điện đã giữ phần lớn nguồn nước lũ với dòng phù sa tự nhiên lại để xả về hạ lưu dòng chảy có chất lượng hoàn toàn thay đổi so với trước. Chính dòng chảy mới, thay đổi lớn về chế độ, lưu lượng, chất lượng đã biến sông Hồng không còn là sông tự nhiên nữa. Sự biến đổi về dòng chảy của con sông này gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khô hạn và ô nhiễm môi trường cho sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch chưa từng có trong một số năm qua tại Hà Nội.
Tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng, vụ đông xuân 2010, nước mặn xâm nhập vào các sông từ 20 đến 40km. Đây là hiện tượng mặn vào sâu nhất trong thập kỷ qua. Đặc biệt, huyện Tiên Lãng, An Hải và Thủy Nguyên độ mặn lên tới 7-8% vượt chỉ số cho phép rất nhiều. Tương tự, vựa lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong vòng 50 năm qua, mực nước biển ở vùng này đã tăng 12cm, có thời điểm nước lấn sâu vào gần 70km. Nguy cơ mực nước biển dâng 1m, khoảng 24,7% diện tích đất tự nhiên của Cần Thơ bị ngập (tương đương 758km2); 50,1% diện tích đất của tỉnh Bến Tre bị chìm (tương đương 1.131km2) đang hiện hữu. "Dù khó khăn do khách quan hay do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhưng nói khía cạnh nào đi nữa thì ngành thủy lợi cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đào Xuân Học phân trần.
Tính toán quy hoạch một cách căn cơ
Ngành thủy lợi đang ngổn ngang những lo âu khi mà nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, năm 2010, ngành đã tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ các địa phương 5 đợt với trên 600 tỷ đồng cho chống hạn. Ngoài ra, chỉ đạo xử lý, sửa chữa nâng cấp 28 hồ đập có nguy cơ mất an toàn; chi tổng vốn đầu tư 5.735 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi... Đối với chương trình an toàn hồ chứa đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003-2010 đã thực hiện việc tu sửa đối với các hồ có dung tích trên 10 triệu mét khối. Tuy nhiên, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung vẫn thường trực nguy cơ mất an toàn hồ đập. Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho rằng, tần suất lũ hiện nay đã thay đổi hoàn toàn, hệ thống các hồ chứa và đê điều được xây dựng theo các tiêu chí kỹ thuật và tần suất trước đây hiện không còn thích nghi khi mưa lớn bất thường. Điều cấp thiết hiện nay là phải ngay lập tức quy hoạch lại hồ đập theo tần suất lũ mới, đầu tư cải tạo, nâng cấp thì mới bảo đảm an toàn.
Thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có hàng nghìn hồ đập có nguy cơ mất an toàn, hầu hết không có đập tràn sự cố. Trong khi đó, quy hoạch thủy lợi hiện tại với tần suất bảo đảm P=10%, tần suất chống hạn là P=75-85%, khi xảy ra mưa lớn và hạn hán vượt tần số, vẫn chưa có giải pháp giảm thiểu. Nhiều ý kiến của người trong ngành thủy lợi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải quy hoạch một cách căn cơ để giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi của khí hậu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, quy hoạch thủy lợi và các công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai vẫn còn một số bất cập. Một số hệ thống thủy lợi hiệu quả thấp do vốn đầu tư hạn chế nên xây dựng thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhiều công trình chưa được tu bổ, sửa chữa kịp thời nên bị xuống cấp, thiếu an toàn… Bộ trưởng yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi quan tâm ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi ở những vùng khó khăn như miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc... Tập trung tu bổ các tuyến đê có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân; đẩy nhanh đầu tư củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh - Quảng Nam và từ Quảng Ngãi - Kiên Giang. Đồng thời, rà soát, quy hoạch hệ thống thủy lợi cả nước, trên cơ sở tính toán một cách căn cơ để phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.