(HNM) - Nhìn lại giai đoạn 2011-2015 vừa qua, có thể khẳng định rằng: Dù còn nhiều khó khăn cả về khách quan, chủ quan nhưng kinh tế Thủ đô đã có bước phát triển mới. Tuy nhiên, sự phát triển ấy vẫn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh; rõ nhất là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Dù môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Hà Nội được cải thiện đáng kể so với trước, song tốc độ còn chậm so với yêu cầu thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Xuất phát từ thực tiễn cũng như nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Chương trình số 03-CTr/TU giai đoạn 2016-2020 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI với nhiều nét mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI khẳng định một trong năm nhiệm vụ chủ yếu của thành phố là: Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Và để thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn mới, một trong ba khâu đột phá của thành phố là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, thành phố sẽ tập trung triển khai một loạt nhiệm vụ quan trọng như: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao nhằm phát triển nhanh, bền vững; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong những nhiệm vụ này, Chương trình số 03-CTr/TU giai đoạn 2016-2020 của Thành ủy đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu cải thiện xếp hạng về môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 xếp trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo được sự đột phá, biến quyết tâm đổi mới trở thành hiện thực, song cũng là nền tảng quan trọng để kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Vì sao vậy? Có một thực tế là thời gian qua không ít nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi xin cấp phép đầu tư tại Hà Nội vì rào cản thủ tục hành chính (TTHC). Và cũng có một thực tế là các cấp lãnh đạo thành phố “trải thảm đỏ” chào đón nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách TTHC để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ở cấp cơ sở vẫn còn hiện tượng “rải đinh”… Một bộ phận “công bộc” của dân - đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn làm việc theo kiểu “xin - cho”, gây phiền hà với doanh nghiệp.
Và vì vậy, bên cạnh các giải pháp như: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; công khai minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh Thủ đô Hà Nội thân thiện, an toàn với bạn bè quốc tế; tăng cường hoạt động tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp... thì việc cải cách hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cải cách hành chính, đúng hơn là phải cải cách cung cách làm việc của các cán bộ, công chức theo phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”. Cùng với xây dựng phong cách làm việc của bộ máy chính quyền theo hướng phục vụ, thân thiện, chuyên nghiệp thì việc tạo đột phá trong cải cách TTHC thông qua việc rút ngắn quy trình, thời gian, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong cải cách cũng là những giải pháp quan trọng để Hà Nội vững vàng, tự tin hội nhập với cộng đồng thế giới.
Chuyển mạnh sang nền “hành chính phục vụ” có thể xem là một bước đột phá quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Bước đột phá ấy sẽ tạo động lực thúc đẩy thu hút nhiều nguồn vốn, trí lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tạo ra giá trị gia tăng lớn... và khi đó "sức khỏe"của nền kinh tế sẽ không ngừng gia tăng trong thế ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.