Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng bảo đảm an sinh xã hội

Mai Hoa| 19/04/2023 06:51

(HNM) - Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội khóa XVII có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành ngày 17-3-2021, đây là một trong 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Qua nửa chặng đường triển khai thực hiện, chương trình mang đậm ý nghĩa nhân văn này thực sự đã xây dựng nền tảng bền vững và tạo được những chuyển biến mạnh mẽ về bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống người dân Thủ đô.

Phòng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh có trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

14 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch

Thống kê của cơ quan thường trực Chương trình số 08-CTr/TU cho thấy, đến nay đã có 28/29 văn bản chỉ đạo, định hướng của Chương trình số 08-CTr/TU được ban hành (đạt 96,6% kế hoạch). Hiện chỉ duy nhất “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố” chưa được ban hành do nguyên nhân khách quan là phải chờ Chính phủ ban hành quy hoạch toàn quốc về lĩnh vực này. Trong số 28 văn bản đã được ban hành, có 5 nghị quyết của HĐND thành phố và 23 quyết định, kế hoạch của UBND thành phố.

Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND thành phố về việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, đã có 7/7 văn bản được ban hành, hoàn thành 100% kế hoạch. Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 78 văn bản; trong đó có 4 văn bản của Thành ủy, 11 nghị quyết của HĐND thành phố, 59 quyết định, kế hoạch của UBND thành phố và 4 quyết định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, cùng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện...

Đặc biệt, trong tổng số 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, có tới 14 chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 9 chỉ tiêu đang triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ. Các chỉ tiêu nổi bật đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 gồm: Tỷ lệ thất nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 là dưới 3%, kết quả năm 2022 là 2,23%; về giải quyết việc làm, mục tiêu đến năm 2025 đạt 160.000 lượt người/năm, thực tế năm 2022 đạt 203.027 lượt người; tỷ lệ hộ nghèo, mục tiêu đến năm 2025 là “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới”, thực tế đến cuối năm 2022, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo và có 3 quận không còn hộ cận nghèo; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, năm 2022, thành phố đã đạt mức 88,92%, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 85%...

Bên cạnh đó, 3 chỉ tiêu: Bình quân số con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (2,1); tỷ lệ người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm trước (0,1%) đều đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Ngoài ra, có 7 chỉ tiêu được duy trì tỷ lệ 100% từ đầu năm 2021 đến nay, gồm: Học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí; người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; xã, phường, thị trấn có quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố; các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi phát hiện được can thiệp, trợ giúp kịp thời.

Tiền đề quan trọng hoàn thành các mục tiêu

Như vậy, nửa chặng đường triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật. Đáng ghi nhận nhất là các chế độ, chính sách liên quan được thực hiện đầy đủ, kịp thời; việc đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội được thực hiện ngày càng hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã phát huy vai trò chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và công tác giám sát triển khai các hoạt động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, hỗ trợ hiệu quả các đối tượng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 đạt 6.227.000 đồng/người/tháng. Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tính ưu việt và nhân văn của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy còn được thể hiện qua các dịp lễ, Tết, khi nhiều người khó khăn được quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, góp phần giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Đạt được các kết quả ấn tượng trên chính là nhờ việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành, địa phương của thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU. Cùng với đó là việc ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích sự tham gia, đồng hành, ủng hộ của người dân. Những kết quả đã đạt được qua nửa nhiệm kỳ sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ đã đề ra trong Chương trình số 08-CTr/TU.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.