Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nền móng của Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh”

Châu Anh| 26/11/2016 16:12

(HNMO) - Sáng ngày 26-11, UBND Thành phố đã tổ chức buổi họp về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2016; nghe báo cáo về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; nhiệm vụ trọng tâm ứng dụng CNTT năm 2017.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Khánh


Đánh giá về những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn trong 11 tháng qua, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung biểu dương sự đồng thuận, quyết tâm của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị thực hiện. Kết quả, Hà Nội đã triển khai được nhiều dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp (đến cấp xã); các dịch vụ công theo NQ 36a của Chính phủ…

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phan Lan Tú, để triển khai dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp, Thành phố đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến (http://egov.hanoi.gov.vn/) - địa chỉ tích hợp duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối với phần mềm một cửa điện tử và liên thông với quá trình xử lý nghiệp vụ của từng thủ tục hành chính. Sau khi khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp phường tại hai Quận Long Biên, Nam Từ Liêm vào ngày 31-7-2016, thì đến ngày 10-8-2016, đã triển khai đến 12 quận.

Kết quả, sau hơn 3 tháng chính thức đưa vào sử dụng, số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường) đã đạt được kết quả rất tích cực. Tính đến hết ngày 24-11-2016, tỷ lệ hồ sơ khai sinh nộp trực tuyến là 76%, trong đó có những quận có tỷ lệ cao là Long Biên (99%), Bắc Từ Liêm (99%), Nam Từ Liêm (96%), Hà Đông (84%), Hoàng Mai (84%); tỷ lệ hồ sơ khai tử nộp trực tuyến là 60%, trong đó các quận Long Biên (99%), Bắc Từ Liêm (98%), Nam Từ Liêm (88%), Hoàng Mai (77%), Hà Đông (77%).

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp được “mở” tại cấp xã thuộc 18 huyện, thị xã bằng việc thí điểm tại 139 xã thuộc 6 huyện (Đông Anh, Ba Vì, Sóc sơn, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì), bắt đầu giai đoạn vận hành thử từ ngày 1-11-2016 và chính thức cung cấp từ ngày 10-11-2016. “Giai đoạn 2, chúng tôi cũng đang chuẩn bị triển khai tiếp tới 12 huyện, thị xã dự kiến vào đầu tháng 12 tới”-Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú cho biết.

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, Thành phố đã lần lượt đưa vào khai thác các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đến nay, Hà Nội đã triển khai mới 37 nhóm dịch vụ với tổng số 132 dịch vụ công với 102 thủ tục cấp sở, 11 thủ tục cấp huyện, 19 thủ tục cấp xã. Trong đó, đến nay đã có 12 dịch vụ công “chạy” chính thức, 3 dịch vụ công chạy thử nghiệm, 9 dịch vụ công đã hoàn thành việc phát triển phần mềm. Dự kiến, Hà Nội sẽ cung cấp một số thủ tục hành chính trực tuyến mức 4 vào đầu năm 2017…

Nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh nhờ ứng dụng CNTT



Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, mặc dù Chính phủ giao chỉ tiêu hồ sơ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng tại Hà Nội đạt 10-15%, tuy nhiên, từ tháng 10-2016 đến nay, Hà Nội đã đạt tỷ lệ này là 55-60%. Để đảm bảo 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong vòng 2 ngày làm việc và nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, nghiên cứu việc cấp mã số thuế tự động để tạo mã số doanh nghiệp và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp theo quy định.

Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giao thông cũng được đẩy mạnh. Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, ngành giao thông Hà Nội đã thực hiện quản lý phương tiện hiệu quả qua thiết bị giám sát hành trình, quan đó, cơ quan quản lý chuyên ngành có thể ra các quyết định xử phạt vi phạm về chạy xe sai hành trình, quá tốc độ…Cùng với đó, Sở đang phối hợp với các đơn vị đối tác để xây dựng giao thông thông minh, bắt đầu bằng việc thí điểm ứng dụng công nghệ thu phí bãi đỗ xe tại quận Hoàn Kiếm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo cũng được coi là đơn vị ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Cụ thể, ngành đã khai trương Cổng điện tử và phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016 – 2017; đồng thời triển khai hệ thống sổ điểm điện tử. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị đã tiến hành trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập trên địa bàn; chuẩn hóa danh mục dùng chung về thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế quy định vào các phần mềm thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; kết nối trao đổi thông tin qua Cổng dữ liệu y tế. Hiện nay, BHXH Thành phố đã thực hiện triển khai giám định trực tuyến thí điểm tại 6 cơ sở khám chữa bệnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính của Thành phố...

Xây dựng Trung tâm điều hành của Thành phố

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã biểu dương những kết quả mà toàn Thành phố đã đạt được trong gần 11 tháng triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn. “Hà Nội đã thiết lập được mạng dùng chung toàn thành phố-đó là một kết quả vượt bậc bắt nguồn từ sự nỗ lực, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ chủ chốt và các đơn vị thực hiện và kết quả là hệ thống chạy thông suốt, được người dân đánh giá cao. Đó là “nền móng” cho chúng ta triển khai nhiệm vụ tiếp theo trong năm 2017”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Trong số các đơn vị thực hiện thành công như Long Biên, Nam Từ Liên góp phần vào kết quả chung của Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã đánh giá cao mô hình sáng tạo của quận Thanh Xuân. Đó là quận đã tiến hành thí điểm đưa việc đào tạo các kiến thức về ứng dụng CNTT với các dịch vụ công trực tuyến vào trường học, để từ đó chính các cháu học sinh về có thể hướng dẫn cha mẹ thực hiện thành thạo và từ đó nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công. – “Tôi đề nghị Sở Giáo dục-Đào tạo nghiên cứu và thí điểm cách làm này bằng cách có các tiết học tập huấn cho các cháu học sinh cấp 2, cấp 3, để từ đó có thể nhân rộng cách làm này, từ đó chúng ta sẽ có các công dân điện tử” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Một nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh đó là Hà Nội sẽ tập trung xây dựng một Trung tâm điều hành ở một chỗ có tính bảo mật cao, bao gồm: điều hành, phân tích dữ liệu, thực hiện điều hành giao thông, tích hợp cả dịch vụ cấp cứu 115, ứng phó trong điểu kiện xảy ra mưa bão, lũ lụt, cháy nổ; đồng thời còn là nơi giải đáp cho người dân… Dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành trung tâm này, sau đó nối về các sở, ngành. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đặt ra mục tiêu để các đơn vị cùng thực hiện đó là đến hết quý I-2017 sẽ tích hợp xong dữ liệu, để các cán bộ phường, xã chấm dứt việc dùng 2 hệ thống phần mềm. Đồng thời nêu cụ thể 33 công việc cần phải làm trong năm 2017 để đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, tạo nền móng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh trong các giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong buổi họp sáng ngày 26-11, Giám đốc Trung tâm dịch vụ CNTT Hà Nội (thuộc Sở TT-TT) Vũ Tấn Cương cũng đã trình bày về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Trong đó, nhấn mạnh, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Chính quyền Hà Nội đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là nhiều dịch vụ hành chính công cho công dân đã được cung cấp ở mức độ 3 (giao dịch trực tuyến), do vậy Hà Nội cần có Khung kiến trúc để định hướng ứng dụng CNTT cho lộ trình dài, bài bản và khoa học.

Việc phát triển Chính quyền điện tử ở Hà Nội sẽ góp phần xây dựng chính quyền hiệu năng, hiệu quả, công khai, minh bạch phục vụ tốt mọi lúc, mọi nơi cho người dân và doanh nghiệp cũng như trong chỉ đạo điều hành. Chính quyền điện tử cũng sẽ tạo nền tảng để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố thông minh.

Lộ trình xây dựng được đề xuất gồm: giai đoạn 2016-2020 e-Hanoi: hoàn thành cơ bản Chính quyền điện tử, giao dịch với người dân và giao dịch bên trong cơ quan chính quyền đều thực hiện trên môi trường mạng; 2021-2030: Hà Nội hiệu quả và sáng tạo: với Chính quyền điện tử ở Hà Nội phát triển ở mức cao cùng với các hệ thống phục vụ dân sinh và xã hội, tạo điều kiện sống tốt nhất cho người dân.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nền móng của Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.