(HNM) - Luật Tố tụng hành chính, có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, được kỳ vọng sẽ phá bỏ nhiều rào cản đối với những người khởi kiện hành chính. Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong hơn hai năm qua, những người dân tiến hành khởi kiện hành chính vẫn gặp không ít khó khăn.
Ngay khâu nộp đơn và hồ sơ khởi kiện của công dân còn quá nhiều rào cản. Nguyên nhân là tòa án các cấp chưa thành thạo trong việc giải quyết. Hơn nữa, tâm lý ngại thụ lý và sự cẩn thận quá mức của các tòa án đối với loại án này cũng dẫn tới kéo dài thời gian nghiên cứu đơn, thụ lý hồ sơ. Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của khiếu kiện hành chính, bên khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức thường yếu thế hơn bên bị kiện là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Vì vậy, vai trò của luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là rất quan trọng và cần thiết, nhất là đối với đương sự thuộc diện nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Luật Tố tụng hành chính cho phép luật sư của đương sự có quyền thu thập chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là một sự tiến bộ, thể hiện sự dân chủ, tuy nhiên, lại chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này. Cùng với đó, chừng nào chưa có chế tài nghiêm đối với những trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ, quản lý chứng cứ, mà cố tình không cung cấp, trì hoãn hay gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho luật sư của đương sự thì quyền lợi của người khởi kiện chưa được bảo đảm.
Ngoài ra, trường hợp khiếu nại trước khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại thì hết thời hiệu khởi kiện xảy ra phổ biến và đang gây nhiều tranh cãi. Theo quy định hiện hành, trường hợp người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh từ ngày 1-6-2006 đến ngày 1-7-2011 mà không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại TAND có thẩm quyền đến hết ngày 1-7-2012. Sau ngày này, người khiếu nại thuộc trường hợp trên không còn quyền khởi kiện ra tòa vì hết thời hiệu khởi kiện. Thực tiễn xét xử cho thấy, hầu hết khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai, trong đó có những bất cập, tồn tại do lịch sử để lại, mặt khác không phải ai cũng nắm được các quy định cho nên việc quy định thời hiệu quá cứng nhắc đã tước mất quyền khởi kiện của người dân. Vì vậy, người dân mong muốn được mở rộng thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính để giảm thiểu bất cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.