Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên kiểm điểm cơ quan soạn thảo làm luật chậm

H.V| 01/06/2012 16:26

(HNMO) - Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.


Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, nhiều đại biểu tán thành với nhận định trong báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những mặt được, chưa được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý đến tính đồng bộ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn hạn chế; nhiều dự án đưa vào Chương trình chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, vẫn còn tình trạng luật khung, việc thay đổi chương trình xây dựng luật tương đối dễ dãi…

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét, vẫn còn những dự án luật đã được đưa vào chương trình nhưng lại bị rút ra trước kỳ họp, nguyên nhân có phần do sự rà soát không kỹ và do cơ quan soạn thảo chưa nhiệt tình.

Đại biểu Hà cũng đánh giá, chất lượng một số dự án Luật chưa được lưu ý lắm và vẫn có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng Luật. Đặc biệt, việc gửi văn kiện cho các đại biểu Quốc hội tham gia góp ý còn chậm, nên không có nhiều thời gian để các đại biểu tham vấn ý kiến các chuyên gia, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật…

Trước tình trạng các dự luật được đưa vào rồi lại bị rút khỏi chương trình, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị, Quốc hội nên có sự kiểm điểm cơ quan soạn thảo, làm rõ sự chậm chễ, tránh việc chương trình kỳ họp bị thay đổi trong những kỳ họp tới.


Về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, cơ bản các đại biểu tán thành với đề xuất trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị thúc đẩy nhanh việc ban hành các dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật thư viện, Luật đô thị, Luật quy hoạch để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Một số ý kiến đề nghị chuyển dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết Trung ương 5); bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII và Chương trình năm 2012; bổ sung dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân vào Chương trình nhiệm kỳ khoá XIII và Chương trình năm 2013…

Đáng chú ý, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị thêm, việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật nên bám vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vì có một số luật gắn liền với quá trình này như Luật đấu thầu, mua sắm công …

Cũng trong phiên họp hôm nay, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Luật dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề “nóng” như: nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; nguyên tắc ấn định thuế; xử lý số tiền thuế chậm nộp, nộp thừa; hoàn thuế; các biện pháp ngăn chặn hành vi chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định điều kiện hồ sơ đăng ký thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; việc xử phạt với các hành vi sai phạm về thuế…

Đặc biệt, tại đoàn Hà Nội, các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Phi Thường băn khoăn về căn cứ để dự thảo Luật sửa đổi nâng mức tiền chậm nộp từ 0,05% lên 0,07%; phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp khai bổ sung sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên các mức phạt như Luật hiện hành.

Về Luật dự trữ quốc gia (DTQG), nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu quy định trong dự thảo Luật hơi rộng so với nguồn DTQG, do đó, nên thu hẹp lại trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải. Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng như thiên tai, dịch họa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên kiểm điểm cơ quan soạn thảo làm luật chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.