Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền hòa bình vụt mất

Lâm Phương| 26/07/2011 06:30

(HNM) - Sau thảm họa khủng bố 11-9 xảy ra tại Mỹ cách đây ngót 10 năm, người dân Na Uy không thể ngờ rằng, có một ngày, đất nước của họ trở thành mục tiêu của cuộc tấn công đẫm máu đến thế.

Cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo

Chỉ trong vài giờ, vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ và vụ xả súng trên đảo Utoeya chiều ngày 22-7, cướp đi sinh mạng của ít nhất 93 người đã biến quốc gia được coi là "chiếc nôi của hòa bình" này thành địa ngục. Không khí tang thương tràn ngập, mọi thứ dường như đang vượt quá giới hạn chịu đựng của bất cứ người Na Uy nào khi hầu hết nạn nhân của sự ra tay tàn bạo đều ở lứa tuổi từ 15 đến 25 với biết bao ước mơ và hoài bão.

Bất ngờ đến bàng hoàng khi vụ tấn công lại xảy ra ở Na Uy - đất nước từng được mệnh danh là "thiên đường sống" của thế giới với một xã hội thân thiện, cởi mở và hài hòa. Na Uy cũng được chọn là nơi trao giải Nobel Hòa bình hằng năm và cũng là nơi ra đời Hiệp ước Hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine năm 1993. Kể từ sau Thế chiến thứ II, quốc gia Bắc Âu này chưa bao giờ phải trải qua thời khắc kinh hoàng như thế.

Niềm tự hào về nền hòa bình của Na Uy bỗng chốc vụt khỏi tầm tay. Nỗi sợ hãi trong dân chúng liên tục gia tăng khi người dân bắt đầu nhận ra rằng, cuộc sống quá êm đềm nhiều năm qua đã tạo một lỗ hổng an ninh chết người và khó có thể khỏa lấp trong một sớm một chiều. Giống như Thụy Điển trước vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme năm 1986, người dân Na Uy thường phản đối các biện pháp nhằm tăng cường an ninh. Thậm chí, khung hình phạt ở Na Uy cao nhất cũng chỉ là 21 năm tù như để chứng minh với thế giới rằng, ở đất nước này mọi người có thể sống trong hòa bình như thế nào.

Dù Anders Behring Breivik, thủ phạm gây ra thảm kịch kinh hoàng ở Na Uy đã bị bắt và đưa ra luận tội trong ngày 25-7, song vụ việc do một kẻ có tư tưởng cực hữu gây ra đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cả thế giới về những hiểm họa, biến tướng khôn lường về một hình thức mới của chủ nghĩa phát xít.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, đặc biệt là sau sự kiện 11-9 tại Mỹ, các quốc gia đã dồn nhiều nguồn lực cho mặt trận chống khủng bố hơn là dành sự chú ý tới các phần tử cực hữu theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nguyên nhân là do phần lớn đánh giá đều cho rằng, các phần tử này vẫn chưa thể là một lực lượng có thể gây bùng nổ trong xã hội. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố - cùng hệ tư tưởng dân tộc cực đoan đã có nhiều cơ hội khuấy động leo thang bạo lực dựa vào tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với gần 100 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, thảm kịch mang tên Oslo đã chứng tỏ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa khủng bố chỉ là một. Sẽ là sai lầm nếu chỉ coi hoạt động của các nhóm cực hữu là những hành động tự phát của những kẻ quá khích. Ngược lại, sau thảm kịch Oslo, đây sẽ là một thách thức lớn, một chiến trường mới với lực lượng an ninh toàn cầu, nhất là trong bối cảnh tình trạng bất ổn liên tục gia tăng tại thế giới Arab, đặc biệt là ở Bắc Phi, dẫn tới một lượng lớn người nhập cư ồ ạt vào châu Âu và sang các châu lục khác. Đây được xem là yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan cánh hữu gieo rắc nỗi sợ hãi lan rộng hơn. Vì thế, chuyên gia an ninh tại Đại học New York ở thủ đô London Hagai Segal đã phải thốt lên rằng: "Vụ tấn công của phong trào cực hữu ở châu Âu và chắc chắn là ở vùng Scandinavia, sẽ là không thể lường hết được hậu quả. Quy mô của nó sẽ tương đương với vụ Oklahoma City (Mỹ) - vụ tấn công của một tay súng cực hữu năm 1995 tại một tòa nhà của chính quyền Liên bang làm 168 người thiệt mạng".

Giống như New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) hay London (Anh), thủ đô Oslo của Na Uy sau ngày 22-7 chắc chắn không còn như trước. Vụ tấn công cho thấy, khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, không loại trừ một quốc gia nào, kể cả những nơi có hàng rào an ninh tốt như Mỹ hay thanh bình như Na Uy.

Xử kín thủ phạm khủng bố kép ở Na Uy

Ngày 25-7, trong phiên xử kín kéo dài 40 phút, Anders Behring Breivik thừa nhận gây ra 2 vụ tấn công tại Oslo, nhưng không thừa nhận đó là hành vi phạm tội. Một chi tiết đáng chú ý khác là tay súng 32 tuổi này đã khai có 2 đồng phạm. Tuy nhiên, thẩm phán Kim Heger cho biết, hiện giờ chưa có bằng chứng xác nhận Breivik thực hiện 2 vụ tấn công một cách độc lập hay có tổ chức. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng. Thời gian tạm giam đối với Breivik được nâng lên 8 tuần - gấp đôi so với những nghi phạm khác. Mọi liên lạc với thế giới bên ngoài của tên này sẽ bị cắt đứt trong 4 tuần đầu.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền hòa bình vụt mất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.