Cuối tuần qua, chỉ trong 2 đêm, cả nước có thêm 3 hoa hậu và 9 á hậu, không kể hàng chục giải thưởng, danh hiệu được trao cho các người đẹp.
Cụ thể, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ Việt Nam 2024 diễn ra ngày 2-8 đã chọn ra 1 hoa hậu và 3 á hậu. Tối 3-8, cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 trao 1 danh hiệu hoa hậu và 4 danh hiệu á hậu; cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam xướng tên 1 hoa hậu và 2 á hậu... Còn tính ra trong năm 2024, Việt Nam có 5 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia dành cho các thiếu nữ chưa lập gia đình, nhiều cuộc thi dành cho quý bà, nam giới và vài chục cuộc thi hoa khôi các vùng miền…
Trước đây, cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia thường tổ chức 2 năm/lần, là sự kiện văn hóa được trông đợi. Vương miện hoa hậu được xem là một biểu tượng cao quý và người được tôn vinh gây ấn tượng sâu đậm với công chúng. Còn hiện nay, nhan nhản các cuộc thi sắc đẹp. Tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu” khiến công chúng cảm thấy “bội thực”, không phân biệt được các cuộc thi, không nhớ mặt được hoa hậu hay á hậu mới. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi sắc đẹp hiện vướng phải nghi vấn “mua giải”, trao giải cho người nhà hay đối xử không công bằng giữa các thí sinh. Đặc biệt, tình trạng thương mại hóa các cuộc thi nhan sắc, tập trung kêu gọi tài trợ, quảng cáo, yêu cầu thí sinh phải đóng phí để tham dự… càng khiến giá trị vương miện hoa hậu giảm sút. Hơn nữa, một số cuộc thi hiện nay tổ chức theo dạng “game show” giải trí, lồng ghép quảng cáo, sắp đặt tình huống để thí sinh “diễn” hòng gây chú ý của dư luận…
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nên coi các cuộc thi sắc đẹp hiện nay chỉ là chương trình giải trí do doanh nghiệp tổ chức, không nên đánh đồng với cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia nhằm tìm gương mặt đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Có lẽ, sau thời gian cởi mở hơn trong việc tổ chức thi sắc đẹp, cơ quan chức năng cần xem xét lại vấn đề này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.