Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên bắt đầu bằng chủ đề mình yêu thích nhất

Thảo Nguyên| 04/09/2013 06:14

(HNM) -



- Tại sao anh chọn chủ đề tình yêu cho bộ phim điện ảnh đầu tay?

- Bản thân tôi rất thích xem những bộ phim về tình yêu. Khi làm phim ngắn, tôi cũng làm phim về tình yêu, cả tình yêu đôi lứa và tình yêu thương rộng lớn giữa người với người. Khi đi với đoàn phim, các cô, các chú hay đùa: "Mày đang tuổi yêu, làm phim về tình yêu là đúng rồi". Ngay khi bắt gặp ý tưởng về chuyện tình giữa chàng trai nước ngoài và cô gái H'Mông của tác giả Diệu Thúy, tôi đã quyết định sẽ biến nó thành kịch phim bản hoàn chỉnh. Theo tôi, làm phim đầu tay thì nên chọn chủ đề mà mình hiểu và cảm thấy thích nhất.

- Ê kíp làm phim đều là những người trẻ. Khán giả có thể hy vọng gì vào bộ phim của anh?

- Tôi nghĩ khán giả trẻ sẽ tìm được nhiều điểm chung với các nhân vật, đó là sự trẻ trung và tinh thần dám hết mình vì tình yêu. Với khán giả lớn tuổi, cảnh phim có lẽ sẽ gợi nhớ kỷ niệm thời tuổi trẻ tươi đẹp của họ. Khi khởi động dự án này, chúng tôi thống nhất về cách quay phim, tiết tấu phim và đối tượng mà phim hướng tới.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành đạo diễn, hiện công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam; đã đạo diễn một số phim: Phim ngắn "Khẽ chạm" (2010); Phim ngắn "Bay qua thời gian" (2011); Phim điện ảnh "Và Anh sẽ trở lại" (2013).

- Văn hóa vùng cao Tây Bắc Việt Nam và cuộc sống của người H'Mông cũng có vai trò làm nên nét độc đáo cho bộ phim này?

- Hồi nhỏ, khi xem "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc, tôi rất thích tác phẩm này cũng như ca khúc "Bài ca trên núi". Tôi đã đi Tây Bắc vài lần, lên Hà Giang, Lào Cai và tất nhiên là cả Mộc Châu - Sơn La, cảm thấy vô cùng yêu thích vẻ đẹp rực rỡ của những bộ trang phục cũng như nét đẹp có từ sự thật thà, nguyên sơ ở người H'Mông. Trong "Và Anh sẽ trở lại", có nhiều cảnh về phiên chợ vùng cao. Do chợ phiên chỉ có ở một số thời điểm trong năm và thường có cả nhiều người dưới xuôi, bởi vậy, chúng tôi đã quyết định dành thời gian, công sức để dựng bối cảnh chợ của riêng người H'Mông theo đúng ý đồ kịch bản và mang đậm bản sắc văn hóa của họ.

- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống điện ảnh (ông ngoại là đạo diễn Ngô Mạnh Lân - PV), hẳn anh có nhiều thuận lợi khi bước chân vào nghề?

- Tôi thấy mình may mắn bởi được sống trong môi trường điện ảnh từ nhỏ. Lúc bé, tôi toàn xem phim hoạt hình của ông ngoại, mỗi lần thấy bà ngoại trên phim lại reo lên thích thú. Cuối tuần, khi cả gia đình tụ họp ở nhà ông bà, những câu chuyện về điện ảnh gần như là chủ đề chính.

Khi tôi quyết định theo nghề điện ảnh, bố mẹ tôi không phản đối nhưng cũng không ủng hộ. Họ hiểu sự vất vả và khó khăn của nghề này. May mắn là khi "việc đã rồi", tôi đã được gia đình tiếp sức bằng những chồng sách về điện ảnh và một tủ DVD phim kinh điển của điện ảnh trong nước và thế giới. Có lẽ gia đình vừa là điểm tựa vững chắc, vừa là áp lực để tôi tiếp tục cố gắng.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên bắt đầu bằng chủ đề mình yêu thích nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.