(HNM) - Nhiều năm nay, bãi bồi Thanh Lan ven Sông Hồng thuộc địa phận thôn Mạch Lũng và Mai Châu, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) bị
Núp bóng thuê đất trồng cây để hút cát
Trời mưa khiến con đường từ đê tả Hồng ra bãi bồi Thanh Lan ở thôn Mạch Lũng như một bãi lầy. Chạy dài giữa hai bên là những thùng đào, hố đấu sâu hun hút. Một người dân thôn Mạch Lũng cho biết: Trước đây bãi Thanh Lan là một khu đất phẳng phiu, màu mỡ, ngô, dâu tằm, chuối... xanh tốt quanh năm. Và: "Kể từ khi UBND xã Đại Mạch cho một số đơn vị, cá nhân thuê đất để sản xuất nông nghiệp thì bãi đất trở nên thế này. Họ núp bóng thuê đất trồng cây nhưng thực chất đã đưa máy móc, thiết bị về hút cát, đào đất trái phép trong nhiều năm liền". Xót của, người dân thôn Mạch Lũng đã tận dụng trồng chuối ở những nơi chưa bị khai thác nhưng mùa được, mùa mất vì địa hình không ổn định, xói lở liên tục xảy ra.
Bãi bồi Thanh Lan đã bị “băm nát”. |
Bãi Thanh Lan ở thôn Mạch Lũng rộng hàng chục héc ta, trải theo đê tả Hồng dài khoảng 2km. Bãi chia thành 2 vùng rõ rệt, phía gần đê người dân trồng chuối và một số hoa màu khác, phía bên ngoài là khu khai thác, tập kết cát. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nơi ở khu trồng chuối (giáp với dự án khai thác nước ngầm) đã bị người dân khai thác đất trái phép, khoét sâu từ 5m đến 10m. Nhiều thùng đào, hố đấu cỏ mọc xanh tốt, một số nơi khác dấu vết đào đất còn mới, thậm chí đã hình thành đường mòn cho xe tải nhỏ vận chuyển đất. Đáng ngạc nhiên là những người khai thác đất đã khéo léo chừa lại những ụ đất còn cây chuối, trông như một hòn đảo nhỏ. Băn khoăn về việc tại sao những hộ trồng chuối ở đây không có phản ứng khi người khác khai thác đất ảnh hưởng đến cây trồng của họ, người dân ở đây giải thích: "Sử dụng đất ở khu vực này từ lâu đã là việc mạnh ai nấy làm! Những người dân vì xót đất bỏ hoang đã trồng chuối nhưng không quản lý được vì không phải là chủ thực sự của mảnh đất". Nhìn bãi đất Thanh Lan nham nhở, hàm ếch phần nào nói lên thực trạng quản lý yếu kém của chính quyền địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch không đưa ra được bất cứ lý do và giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra, lập biên bản xử lý.
Bỏ lại phía sau bãi trồng chuối bị đào bới nham nhở, 2 chiếc xe máy ì ạch vượt qua quãng đường khoảng 300m ngập ngụa trong bùn đất và cát để ra "mỏ cát" của thôn Mạch Lũng. Ông V.X.T (người dân thôn Mạch Lũng) nói, "con đường này không có trong quy hoạch, mà những người làm gạch, khai thác cát đã tự tiện san gạt để lấy đường chuyên chở". Chỉ tay ra phía xa, ông T. bức xúc: "Các anh thấy đấy, chính quyền đã ra quân xử lý nhiều lần vậy mà máy móc, thiết bị vẫn còn, họ vẫn lén lút khai thác vào đêm tối, ngày nghỉ!". Tại khu vực bãi tập kết cát của cơ sở Lê Mậu Hoàng (sáng 1-9-2015), chúng tôi thấy có 2 máy xúc "tọa" bên cạnh một bãi cát khá mới, theo lời những người dân thôn Mạch Lũng thì đó là cát mới khai thác ở dưới sông lên. Ở phía dưới hồ nước (đây là một đoạn sông đã bị bồi lấp) có một hệ thống đường ống được gắn phao nối từ bờ tới một bè nổi nằm giữa hồ. "Đường ống và bè nổi là hệ thống hút cát" - một người dân quả quyết như vậy. Đáng nói hơn là ngay đầu con đường vào bãi, chủ cơ sở vừa cho xây dựng một ngôi nhà cấp 4 khá kiên cố rộng khoảng gần 100m2, lợp mái tôn.
Nhiều lần xử lý, nhưng...
Trao đổi với PV về những vi phạm đang diễn ra trên địa bàn, lãnh đạo xã Đại Mạch cho biết: Từ đầu năm 2014, cơ sở Lê Mậu Hoàng và một đơn vị khác là Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Hồng Phúc đã bị lực lượng chức năng huyện Đông Anh và xã Đại Mạch phát hiện, xử lý việc khai thác cát trái phép trên bãi Thanh Lan. Cụ thể, 2 đơn vị này đã lợi dụng hợp đồng thuê đất sản xuất nông nghiệp để tập kết, hút cát dưới lòng Sông Hồng. Điểm chung của 2 vụ khai thác cát trái phép là đều diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền cơ sở không có biện pháp ngăn chặn, đây là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Theo ông Lê Ngọc Dụng, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Đông Anh, sau khi cơ quan chức năng huyện Đông Anh phát hiện vi phạm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan Công an huyện vào cuộc, điều tra làm rõ hành vi khai thác trái phép tài nguyên cát. Đến tháng 2-2015, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính cơ sở Lê Mậu Hoàng 60 triệu đồng và tịch thu hơn 17 nghìn mét khối cát, 2 bè nổi bằng kim loại, 2 đầu nổ, 2 đầu sên và 70m ống nhựa; Công ty Hồng Phúc bị phạt 120 triệu đồng, tịch thu hơn 20 nghìn mét khối cát; 2 bè nổi, 2 đầu nổ, 2 đầu sên và 70m ống nhựa. UBND thành phố cũng yêu cầu 2 đơn vị khắc phục hậu quả, thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa về trạng thái an toàn.
UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt nghiêm khắc, thế nhưng cơ sở Lê Mậu Hoàng vẫn hoạt động lén lút, không thực hiện triệt để quyết định xử phạt. Vào tháng 4-2015, Đoàn liên ngành của UBND huyện Đông Anh kiểm tra cơ sở Lê Mậu Hoàng tiếp tục khẳng định: "Cơ sở Lê Mậu Hoàng hiện đang sử dụng trái phép diện tích 3.000m2 đất tại thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch. Yêu cầu cơ sở trả lại toàn bộ diện tích đã lấn chiếm và khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý". Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không xuất trình được bản cam kết bảo vệ môi trường; không có giấy phép sử dụng bến thủy nội địa và hợp đồng thuê đất đã hết hạn năm 2014. Đến giữa tháng 4-2015, UBND xã Đại Mạch đã làm việc với 2 chủ bến bãi, trong đó có ông Lê Mậu Hoàng, tiếp tục "yêu cầu dừng ngay việc tập kết cát trái phép tại khu vực bãi bồi ven sông thôn Mạch Lũng dưới mọi hình thức".
Đặt câu hỏi với lãnh đạo xã Đại Mạch về việc người dân phản ánh vẫn còn tình trạng khai thác cát tại cơ sở Lê Mậu Hoàng, ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã đưa ra giả thuyết, nếu có thật việc khai thác cát thì họ chỉ làm vụng trộm, lợi dụng khi cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát như đêm hoặc ngày nghỉ. Tuy nhiên, ông Bùi Quang Tuấn cũng thừa nhận, "một số lần thông qua tin báo của nhân dân, đã cử đoàn ra thực địa kiểm tra có lần phát hiện việc khai thác, nhưng cũng có lần không thấy. Chúng tôi đã yêu cầu họ dừng lại và lập biên bản". Ông Tuấn cho biết thêm, "hoạt động ở đây quy mô không lớn, có thể họ xử lý cát tồn. Việc xử lý dứt điểm cần mạnh tay hơn nữa, nếu chỉ phạt hành chính thì sẽ rất khó khăn cho xã vì lực lượng rất mỏng, chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, phối hợp với UBND huyện mới giải quyết được".
Điều băn khoăn nhất là sự tồn tại của nhiều máy móc, thiết bị ở hiện trường bãi chứa cát và toàn bộ vẫn trong tình trạng hoạt động. Về việc này, ông Bùi Quang Tuấn nói ngắn gọn "sẽ cho kiểm tra cụ thể...". Trong khi đó, xung quanh ngôi nhà cấp 4 mới xây dựng trái phép tại cơ sở Lê Mậu Hoàng, ông Tuấn cho biết đã lập biên bản nhưng không trình được văn bản này với lý do "cán bộ chuyên môn đang giữ và hiện không có mặt tại UBND xã". Việc để cho cơ sở Lê Mậu Hoàng lén lút tập kết, khai thác cát và xây dựng nhà trái phép trên đất bãi là thuộc trách nhiệm của UBND xã Đại Mạch. Nếu UBND xã không kiểm tra, giám sát đầy đủ, nghiêm túc thì việc thực hiện các Quyết định của UBND TP Hà Nội và chỉ đạo của huyện Đông Anh sẽ không hiệu quả và không bảo đảm công bằng.
Xã Đại Mạch là một điểm "nóng" trong việc tập kết, khai thác cát ở bãi nổi Sông Hồng của huyện Đông Anh. Ngoài cơ sở tập kết, khai thác cát Lê Mậu Hoàng và Hồng Phúc, theo phản ánh của người dân trên địa bàn, 2 thôn Mai Châu và Mạch Lũng có thời điểm từng tồn tại thêm 3 điểm khác. Ông Lê Ngọc Dụng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết: Xác định rõ thực trạng này, thời điểm đầu năm 2014, huyện Đông Anh đã xử lý kiên quyết, nghiêm khắc và triệt để một số trường hợp vi phạm, nên khoảng một năm trở lại đây tình trạng khai thác trái phép đã tạm lắng. "Nếu có hiện tượng khai thác trở lại thì chỉ là lén lút và xuất hiện thời gian gần đây. Chúng tôi sẽ sớm làm việc với UBND xã để làm rõ vấn đề này" - ông Dụng nói. Vẫn theo ông Lê Ngọc Dụng thì đất ở khu vực này thuộc diện đất nông nghiệp khó giao, muốn sử dụng hiệu quả cần thực hiện theo quy hoạch và giao cho các tập thể, cá nhân có năng lực để sản xuất nông nghiệp là bền vững nhất. Dư luận và nhất là người dân thôn Mạch Lũng đang mong chờ biện pháp xử lý "mạnh tay" của chính quyền xã Đại Mạch và huyện Đông Anh bởi theo họ, nếu không có "cú hích" đủ mạnh thì có lẽ chưa thể chấm dứt tình trạng "nát bãi bồi vẫn phải đợi… kiểm tra!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.