Theo dõi Báo Hànộimới trên

NASA: Mực nước biển toàn cầu dâng nhanh đáng báo động

Hoàng Linh| 27/08/2015 05:38

(HNMO) - Mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình gần 3 inch (tương đương 7,62 cm) kể từ 1992 - hệ quả trực tiếp của việc ấm dần lên và băng tan.

Mực nước biển dâng nhanh "chạm trần" nhiều dự đoán trước đó của Liên Hiệp Quốc.


Ngay từ 2013, một hội thảo của Liên Hiệp Quốc đã dự đoán rằng mực nước biển sẽ dâng khoảng từ 30cm đến 90cm vào cuối thế kỉ này. Nghiên cứu mới cho thấy mức tăng rất có thể sẽ nằm ở ngưỡng tối đa - nhà địa lý học Steve Neren thuộc trường đại học Colorado cho biết. “Mực nước biển đang dâng lên nhanh hơn so với 50 năm trước và tình hình sẽ còn tệ hơn trong thời gian tới” - ông chia sẻ.

Dĩ nhiên, sự thay đổi không hoàn toàn đồng nhất. Tại một số khu vực, mực nước tăng lên hơn 25 cm trong khi một số nơi khác (như bờ Tây nước Mỹ) nước lại hạ xuống - theo dữ liệu thu thập từ vệ tinh trong suốt 23 năm qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây là hệ quả của hải lưu và một số chu kì tự nhiên - điều sẽ dẫn tới mức dâng kỉ lục tại Thái Bình Dương và bờ Tây nước Mỹ trong 20 năm tới.

Nước dâng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều khu vực trên toàn cầu - đặc biệt là châu Á.


“Con người cần hiểu rằng hành tinh của chúng ta không chỉ đang chuyển mình mà thực tế nó đã thay đổi” - nhà khoa học Tom Wagner của NASA chia sẻ với báo giới. “Nếu các bạn dự kiến đặt các công trình lớn như nhà máy xử lý nước hay nhà máy điện gần bờ biển, chúng tôi có số liệu đủ cho bạn nắm được những thay đổi sẽ diễn ra trong 100 năm tới” - ông này cho biết.

Ở những khu vực địa thế thấp như bang Florida (Mỹ), tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo giám đốc bộ phận Khoa học trái đất NASA Michael Freilich, ngay cả những đợt thuỷ triều thông thường cũng có thể gây lụt nhiều nơi tại bang Miami vào lúc này và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn bởi ngập lụt tại đây là điều hiếm thấy vài thập kỉ trước. Trong khi đó, ước tính của ông này cũng cho thấy có khoảng 150 triệu người - phần lớn là ở châu Á - đang sống ở những vùng nằm thấp hơn mực nước biển tới 1 mét.

Việc đánh giá được tốc độ tan băng tại hai đầu cực là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học trong việc dự đoán tốc độ dâng của nước biển.


Thực tế, thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học trong việc dự đoán mức dâng của nước biển chính là việc đánh giá tốc độ tan của băng trước việc nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên. “Những thay đổi lớn đang diễn ra trong các tảng băng” - chuyên gia nghiên cứu địa chất băng Eric Rignot tại trường đại học California nhận định. Nhiều ý kiến cũng cho rằng khoảng một phần ba mức dâng nước biển cũng là do sự giãn nở nước khi nhiệt độ trung bình của các đại dương tăng lên, một phần ba là do băng tan từ hai đầu cực và một phần ba là do nước từ băng trên các đỉnh núi cao chảy xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NASA: Mực nước biển toàn cầu dâng nhanh đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.