Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh

Nhóm phóng viên| 27/05/2020 06:30

(HNM) - Tại phiên thảo luận trực tuyến của kỳ họp thứ chín diễn ra ngày 21-5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Mặc dù còn những ý kiến trái chiều, song nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, nhằm sớm nâng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Nội dung này thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Báo Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến góp ý xung quanh vấn đề này.

Việc đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Ảnh: Mạnh Hà

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh, Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư:
Tạo điều kiện để phát triển hộ kinh doanh

Luật Doanh nghiệp các năm 1999, 2005 và 2014 cũng đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (bổ sung) chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Theo quan điểm cá nhân tôi, hộ kinh doanh cần được đối xử công bằng như doanh nghiệp tư nhân, việc đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó có điều kiện để áp dụng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh, từ đó tháo bỏ các vướng mắc, tạo điều kiện để phát triển hộ kinh doanh.

Ông Trần Hồng Thắng, số nhà 60, tổ 5, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh):
Đánh giá đúng tình hình để hoàn thiện khung pháp lý

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Để quản lý hiệu quả mô hình kinh doanh này, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ hơn. Qua nghiên cứu các quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tôi thấy, dự thảo đã đi sâu vào việc kiểm soát hoạt động và tăng cường quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để quản lý có hiệu quả hoạt động của loại hình kinh doanh hộ gia đình, cần có những quy định cụ thể, tạo thêm quyền tự do kinh doanh, môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh phát triển; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, tôi rất mong Chính phủ, Quốc hội đánh giá đúng tình hình thực tế, trên cơ sở đó hoàn thiện khung pháp lý để quản lý và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của loại hình kinh doanh này.

Bà Nguyễn Thanh Lan, Đội liên phường thuế số 2, Chi cục Thuế quận Cầu Giấy:
Bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh

Thực tế cho thấy hoạt động hộ kinh doanh không bền vững, dễ rủi ro trong đầu tư, đồng thời gặp bất lợi trong huy động vốn hơn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hộ kinh doanh có lợi thế về thủ tục góp vốn, nội dung, hồ sơ và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Từ năm 2015, hộ kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều nộp thuế theo phương thức thuế khoán nên giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục nộp thuế. Mặc dù có cùng bản chất hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận nhưng việc duy trì các quy định về hộ kinh doanh và doanh nghiệp khác biệt như trên đang gây bất bình đẳng, làm méo mó môi trường kinh doanh và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, hộ kinh doanh cần có sự quản lý của nhà nước để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật. Theo tôi, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phù hợp với thực tế, nhằm nâng cao vị trí pháp lý của hộ kinh doanh.

Ông Vũ Ngọc Trường, chung cư Mulberry Lane, phường Mộ Lao (quận Hà Đông):
Giúp các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng

Qua theo dõi tôi được biết, trong số hơn 5 triệu hộ kinh doanh của cả nước hiện nay có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản là 655 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động…  Tuy nhiên, vì đặc thù, khác biệt như quy mô nhỏ, hoạt động theo truyền thống gia đình, tự phát..., nên đến nay loại hình này vẫn chưa được luật hóa đầy đủ. Theo tôi, nếu các hộ kinh doanh được sự bảo hộ của pháp luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao vị trí pháp lý của mình. Mong rằng cơ quan soạn thảo luật cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ từ khảo sát thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung pháp lý tốt nhất, bảo đảm công bằng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.