Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” là đến năm 2025, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này đang ở mức 46,8%, đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội phải có giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
- Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện nhiệm vụ Chương trình số 08-CTr/TU của ngành Bảo hiểm xã hội trong thời gian qua?
- Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU. Để thực hiện mục tiêu tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50% vào năm 2025, chúng tôi đã xác định lộ trình cụ thể, trong đó, năm 2024 phấn đấu đạt mức 47,5% (bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 45% và tự nguyện chiếm 2,5%). Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 46,8% (đạt 98,5% kế hoạch năm 2024 và đạt 93,6% kế hoạch đến cuối nhiệm kỳ).
- Vậy còn các chỉ tiêu HĐND thành phố giao như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp…, trong năm 2024 liệu có bảo đảm tiến độ, thưa ông?
- Kết quả thực hiện tính đến kỳ báo cáo tháng 7-2024 cho thấy, số người tham gia bảo hiểm y tế đã đạt hơn 8 triệu người, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,40% dân số. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.079.898 người, tăng 4,58% so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 44,47% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chưa bao gồm các trường hợp đang bảo lưu) là 87.183 người, tăng 10.369 người, tăng 13,50% so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 2,45% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 2.012.227 người, tăng 4,66% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 41,5% lực lượng lao động trong độ tuổi…
Các con số này cho thấy mọi việc đang theo lộ trình tăng tiến ổn định. Tôi tin, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu theo Chương trình số 08-CTr/TU.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các giải pháp đã và đang được triển khai cho nhiệm vụ này?
- Bảo hiểm xã hội luôn là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người. Đáng tiếc, một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng này, dẫn đến ý thức tham gia chưa đầy đủ và thiếu chủ động.
Vì vậy, phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện trên các ứng dụng internet.
Cùng với đó, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nhà hảo tâm cho người yếu thế để họ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Chúng tôi cũng mở rộng và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của các tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, nhân viên thu bảo hiểm xã hội trong công tác này.
- Và các giải pháp thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, Bảo hiểm xã hội thành phố đang tập trung rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp về việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố giao bảo hiểm xã hội cấp huyện rà soát dữ liệu hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp tư nhân để khai thác, phát triển người tham gia.
Ngoài ra, chúng tôi tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố và chính sách hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt, chúng tôi chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp trích, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định, bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.